Không giám sát giao thông, Quốc hội có lỗi

      Sáng 31-10, Quốc hội họp phiên toàn thể để thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2012. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng giao thông đã ở trong tình trạng khẩn cấp, cần có sự giám sát tối cao của Quốc hội.

Ùn tắc giao thông từ chiều kéo dài đến tối tại ngã năm Ô Chợ Dừa, Hà Nội  - Ảnh: NAM KHÁNH

Xe gắn máy nối đuôi nhau trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM vì vướng “lô cốt” (ảnh chụp ngày 5-10) - Ảnh: MINH ĐỨC

Ủy ban Thường vụ QH trình ba chuyên đề để đại biểu QH chọn hai, đó là: đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; khiếu nại, tố cáo về đất đai trong lĩnh vực hành chính; thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều đại biểu ủng hộ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng rằng QH cần giám sát tối cao toàn diện về lĩnh vực giao thông vận tải.

Tình trạng khẩn cấp

Lập kênh truyền hình riêng của Quốc hội?

“Cần mở rộng sự tham gia của cử tri và báo chí vào hoạt động giám sát của QH, vì bản chất thì sức mạnh của QH chính là sức mạnh của cử tri” - đại biểu Lê Thị Nga nói. Bà Nga cho rằng việc thiết lập một kênh truyền hình riêng của QH cùng với mở rộng quyền tiếp cận thông tin của báo chí là biện pháp hữu ích.

Ý kiến của bà Nga nhận được sự ủng hộ của các đại biểu khác. Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) lên tiếng: “Công khai thông qua thông tin truyền thông để cử tri theo dõi, chẳng những theo dõi giám sát, hoạt động giám sát của QH qua chất vấn, còn thể hiện giám sát đối với thực thi nhiệm vụ của đại biểu, coi đại biểu có phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri hay không. QH nên tạo điều kiện cho truyền thông trực tiếp để cử tri theo dõi”.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói: “Cử tri ở tất cả các địa phương đều nói rằng đây là một vấn đề đang thật sự nóng bỏng. Nóng như thế mà QH chúng ta không đi vào làm, không đi vào giám sát để đưa ra những quyết sách nhằm tạo đột biến của tình hình chấp hành an toàn giao thông, chống tai nạn giao thông thì QH chúng ta sẽ có lỗi với nhân dân”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng: “Chính phủ cần vai trò của QH cùng giải quyết bằng một cuộc giám sát tối cao. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đã chính thức đề nghị trước QH cần có cuộc giám sát này”.

Trao đổi thêm với báo chí bên lề kỳ họp về lý do so sánh tình trạng giao thông hiện nay như tình trạng khẩn cấp, bà Lê Thị Nga nói: “Tôi căn cứ những tiêu chí ban hành tình trạng khẩn cấp theo pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp để nói rằng tình trạng giao thông hiện nay đã tương đương mức đó rồi. Vì thế, giải pháp đề ra phải tương ứng, đặc biệt là giải pháp hành chính mạnh vì nếu tình trạng khẩn cấp được ban hành thì phải dùng một số biện pháp hạn chế quyền của một số bộ phận người dân, của một số cơ quan, đơn vị.

Chẳng hạn theo luật thì người dân có quyền đi lại, có quyền mua tài sản là các phương tiện giao thông nhưng trong một giai đoạn nào đó, vì lợi ích chung Nhà nước phải hạn chế. Mà hạn chế như vậy, theo tôi, cần có quyết định của QH vì nó liên quan đến các quyền được luật định. Ngay chuyện thay đổi giờ làm việc sẽ làm đảo lộn đời sống một bộ phận người dân, mà là đảo lộn lớn chứ không phải chuyện nhỏ. Mấy chục năm nay người ta đã hoạt động với một khung giờ giấc như vậy, giờ nói phải thay đổi, sắp xếp lại thì cần tạo sự đồng thuận mạnh mẽ, giải thích tuyên truyền để người dân đồng cảm với Nhà nước. Nếu như bị áp đặt, chúng ta cũng buộc phải thực hiện nhưng tâm lý sẽ không thoải mái. Đương nhiên ở đây cần rất nhiều giải pháp chứ không thể nói một biện pháp riêng rẽ, cụ thể nào có thể thay đổi”.

Đủ năng lực giám sát

Theo đại biểu Lê Thị Nga, “tình trạng giao thông phức tạp và cấp bách đòi hỏi phải có cả một hệ thống giải pháp và có những giải pháp mới và mạnh, cho nên cần có tiếng nói của QH thông qua giám sát, sau đó sẽ có nghị quyết”.

Bà Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Quốc phòng và an ninh của QH có đầy đủ bộ máy và năng lực để giúp QH làm tốt cuộc giám sát này.

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) chia sẻ nếu chỉ giám sát mỗi phần ngọn là kẹt xe và an toàn, không giải quyết phần gốc là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thì cũng không ổn vì nguyên nhân chủ yếu hiện nay của tai nạn và kẹt xe là hạ tầng yếu kém. Do đó đại biểu đề nghị chủ đề giám sát sẽ gồm cả việc thực thi chính sách, pháp luật phát triển hạ tầng và đảm bảo an toàn giao thông.

Nghị quyết về chương trình giám sát của QH năm 2012, trong đó sẽ có hay không có nội dung giám sát chuyên đề về an toàn giao thông và công tác giao thông, sẽ được QH thông qua vào sáng 11-11.