Để đi lễ đầu năm là một nét văn hóa đẹp

Đi lễ vào dịp đầu năm là nét văn hóa lâu đời trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Chốn đền đài linh thiêng là nơi con người gửi gắm, kí thác niềm tin cũng như ước nguyện cho một cuộc sống bình an. Đó là một nét đẹp cần gìn giữ, bởi chính niềm tin đó đã hướng con người đến những giá trị chân thiện mỹ, sống tốt đời đẹp đạo. Tuy vậy, nhiều thói quen khi đi lễ dịp đầu năm vẫn còn những câu chuyện dài để nói.

Có mặt tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) vào những ngày đầu năm, mới thấy được niềm tin mà con người gửi gắm vào chốn linh thiêng lớn đến nhường nào. Già trẻ, gái trai, không kể giàu nghèo, có địa vị hay bình dân, vào Phủ đều một mâm hoa quả, bánh kẹo, vàng mã, một loại “lễ” gần như không bao giờ thiếu, chen chúc nhau chờ cơ hội để dâng lên ban thờ. Rõ ràng, nếu nhìn từ góc độ văn hóa, hình ảnh người dân nhộn nhịp đi Phủ đầu năm là điều đáng mừng khi nó thể hiện rất rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, bởi chúng ta đều biết trong tâm thức người Việt, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh bất tử đã được dân gian truyền tụng và ca ngợi qua hàng thế kỉ bằng những truyền thuyết li kì. Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng về sự hiếu đạo, tài hoa, đức hạnh, một gương sáng cho muôn đời.Tuy nhiên, liệu bao nhiêu người trong số người dân đi lễ ở đây, biết được những câu chuyện, những bài giáng bút (tương truyền có hàng trăm bài thơ giáng bút), của Thánh Mẫu khuyên dạy con người về cư xử trong gia đình và ngoài xã hội, như với cha mẹ, vợ chồng con cái, anh em họ hàng, sao cho tạo nên sự hòa hiếu, trong ấm ngoài êm… Phần lớn họ chỉ chú tâm chen lấn, xô đẩy để cầu tài lộc, cầu danh lợi, mà bằng chứng rõ thấy nhất đó là hành động rải tiền lẻ, thậm chí dúi tiền vào cả tay của thánh như hành vi “buôn bán”; “ hối lộ” thánh thần mà báo chí, truyền thông đang phản ánh.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Người Lao động)

Trái ngược không khí đông đúc, nhộn nhịp có phần ngột ngạt ở Phủ Tây Hồ, tại chùa Kim Liên, cũng thuộc quận Tây Hồ, một ngôi chùa có lịch sử xây dựng lâu đời, với khuôn viên rộng rãi được đánh giá là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam, chứa đựng trong nó nhiều giá trị văn hóa – lịch sử, lại thưa vắng bóng người đến lễ. Ngôi chùa cổ Kim Liên qua bao năm tháng, vẫn toát lên một vẻ đẹp cổ kính với kiến trúc gỗ độc đáo, là chứng tích cho một thời đại sung mãn của Phật Giáo, đã có lúc chiếm vị trí độc tôn trong niềm tin tôn giáo của cả dân tộc. Đến ngôi chùa này, bên cạnh việc cúi đầu chắp tay kính Phật để tìm lại ngay trong tâm mình sự cân bằng, hài hòa, tĩnh tại giữa cuộc sống bộn bề vốn dĩ đầy biến động, chúng ta còn như được sống lại trong không gian văn hóa nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc cổ của người Việt xưa, có những pho tượng đẹp mang nhiều giá trị, cùng những bức chạm nổi trên mặt gỗ với hình rồng, hình hoa lá vô cùng tinh xảo, uyển chuyển. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được một tấm bia được xếp vào hàng có niên đại cổ nhất ở Hà Nội…Rõ ràng, đi lễ còn là đi vãn cảnh, đi để hiểu, để tự hào về một dân tộc đã có hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cùng chừng đó năm con người tạo dựng nên bề dày văn hóa, văn vật, mà hệ thống đền đài, chùa chiền là một trong số đó…chứ đâu chỉ để mưu cầu danh lộc.

Trên thực tế, hiện nay đi lễ đầu năm không còn là lúc con người ta tĩnh tâm suy ngẫm để tu tâm hướng thiện, ước nguyện bình an, mà đại đa số người đi lễ đều xem đền chùa, miếu mạo là nơi linh thiêng, nơi có một vị tinh linh nào đó trú ngụ, có sức mạnh ban bố những phép màu, giúp cuộc sống của con người trở nên thuận lợi hơn. Chỉ cần có tâm mưu cầu ắt sẽ được chứng giám, bất kể đó là đền, chùa nào, thờ tự ai, miễn được truyền tai là “thiêng” thì kéo nhau đến lễ. Ở một số người đi lễ, do ranh giới phân chia giữa các tín ngưỡng, tôn giáo trong tâm thức của họ không mấy rõ rệt, cho nên họ có thể vừa kính cẩn cúi lạy dưới chân đức phật từ bi, nhưng ngay sau đó có thể say sưa trong những điệu hát văn hầu thánh sôi nổi… Cũng từ đó vô tình nhiều người đi đền, chùa, phủ, miếu có hành động rất đơn thuần và hời hợt, thiên về mê tín dị đoan.

Thần thánh dù có siêu nhiên đến đâu, có linh thiêng như thế nào cũng đều bước ra từ những truyền thuyết li kì, được lí tưởng hóa giàu lòng nhân hậu hay đầy quyền lực, tất cả nhằm gửi gắm những ước nguyện, những nhu cầu của con người trước những thách thức khó khăn. Cuộc sống ngày càng hiện đại, do chính bàn tay con người tạo nên, điều đó khẳng định con người cần  tránh xa những niềm tin cực đoan, lệ thuộc, thậm chí đánh mất đi ý thức và tự tôn của bản thân, tạo ra những hành vi, hành động phản cảm. Xa hơn, những hành vi phản cảm khi đi lễ đầu năm như chen lấn, xô đẩy đặt lễ, đốt cả mâm vàng mã, lễ mặn sắp mấy tầng, tiền lẻ nhét đầy tay Phật… đã đang dần phá vỡ đi những quy chuẩn văn hóa mà dân tộc Việt đã suốt bao năm tạo dựng… Những hành vi ấy, cần được chấn chỉnh và loại bỏ./.

Nguồn ĐCSVN