Minh chứng rõ rệt nhất trong hợp tác Mỹ-Việt

Thương mại có lẽ là minh chứng rõ rệt nhất về việc hai nước Mỹ và Việt Nam đã tiến xa như thế nào trong vòng 18 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng gấp hơn 50 lần kể từ năm 1995, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu như vậy trong chuyến thăm đến Việt Nam hồi đầu tuần.

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Kerry (ngồi bên trái) trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (Ảnh: AP)


Ngoại trưởng Kerry đã thể hiện sự vui mừng khi lần đầu tiên có mặt tại Hà Nội trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và tận mắt thấy mối quan hệ Việt-Mỹ phát triển ngày càng sâu sắc và tiến mạnh mẽ về phía trước.

“Đây là lần thứ tư tôi đến châu Á kể từ khi tôi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao, và tôi muốn nhấn mạnh lại rằng việc Mỹ tái cân bằng hướng tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là một ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Barack Obama ngay từ ngày đầu khi ông nhậm chức. Và hôm nay, các sáng kiến của chúng tôi về kinh tế, ngoại giao, chiến lược, và quan hệ nhân dân trong toàn khu vực đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Đông Nam Á hiện đang là một phần trung tâm trong chính sách của chúng tôi, tương tự như vậy là sự gắn kết của chúng tôi với ASEAN, là khối nằm ở trung tâm của cấu trúc khu vực của Châu Á-Thái Bình Dương. Thẳng thắn mà nói, không ở đâu mà việc nâng cao đầu tư và gắn kết lại quan trọng hơn hoặc có thể thấy rõ hơn là ngay ở đây, ở Việt Nam”, Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.

Theo Ngoại trưởng Kerry, khác với Hà Nội của năm 1991 khi lần đầu tiên ông đến đây với tư cách là một Thượng nghị sĩ, Hà Nội ngày nay đã là một thành phố “có sinh lực to lớn, sinh lực của đất nước Việt Nam cũng vậy, và sự chuyển đổi quả là đáng kinh ngạc. Việt Nam đã trở thành một quốc gia hiện đại, là đối tác quan trọng của Mỹ. Việc Nam là một quốc gia hiện có gần 40% dân số dưới 25 tuổi, tất cả mọi người đầy ắp sinh lực và lòng nhiệt tình cho tiềm năng của tương lai”.

Ông Kerry đã đề cập đến bốn lĩnh vực cụ thể mà hai nước Việt Nam và Mỹ đang đẩy mạnh hợp tác nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương kể từ khi hai nước tuyên bố xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện.

“Giáo dục gắn với quan hệ nhân dân của chúng ta, đang xây nền móng cho một mối quan hệ đối tác Mỹ-Việt chặt chẽ trong những năm tới. Và chúng ta đã đạt được tiến bộ lớn trong việc tăng cường các quan hệ đó. Hiện nay, hơn 16.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, nhiều hơn hầu hết các nước khác trên thế giới”, Ngoại trưởng Kerry cho hay.

“Tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã có dịp gặp gỡ, nói chuyện và lắng nghe một số bạn nam nữ trẻ tuổi và rất ấn tượng, họ là những cựu sinh viên trong số 4.000 cựu sinh viên của chương trình Fulbright ở Việt Nam. Tôi đặc biệt tự hào về chương trình này vì khi tôi còn là một thượng nghị sĩ trẻ tuổi, tôi đã khởi phát những nỗ lực tại Thượng viện để bắt đầu chương trình này. Và chẳng bao lâu, nó đã trở thành chương trình Fulbright lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, nó là chương trình lớn thứ hai trên thế giới. Đến nay nó là một thành công phi thường, và chúng tôi mong phát huy trên cơ sở sự thành công đó bằng cách tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam để thành lập Trường Đại học Fulbright hoàn chỉnh ở Việt Nam trong tương lai gần”, ông Kerry cho biết.

Đề cập đến lĩnh vực thương mại, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho rằng, thương mại có lẽ là ví dụ rõ rệt nhất về việc hai nước Mỹ-Việt đã tiến xa thế nào trong vòng 18 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Thương mại hai chiều Mỹ-Việt đã tăng gấp hơn 50 lần kể từ năm 1995. Tuần trước, Mỹ đã khởi động chương trình Quản trị vì Tăng trưởng Trọn vẹn, thông qua đó Mỹ sẽ trợ giúp cho quá trình chuyển đổi đang diễn ra của Việt Nam để trở thành một nền kinh tế trọn vẹn hơn, dựa trên thị trường, và có nền tảng là pháp quyền.

Chương trình trên cũng sẽ giúp Việt Nam thực thi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Một khi hoàn tất, TPP sẽ nâng cao các tiêu chuẩn, kể các các tiêu chuẩn lao động, và mở cửa các thị trường. Nó sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới, không chỉ ở Mỹ và Việt Nam mà còn ở trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với Việt Nam và các đối tác khác trong khu vực để hoàn tất các cuộc đàm phán TPP càng nhanh càng tốt”, ông Kerry cho biết.

Mỹ và Việt Nam cũng đang cộng tác chặt chẽ về môi trường. Biến đổi khí hậu có lẽ là mối đe dọa riêng rẽ lớn nhất đang đối diện hầu hết các quốc gia trên hành tinh hiện nay. Theo ông Kerry, Mỹ và Việt Nam đang kề vai sát cánh làm việc để đạt được sự phát triển sao cho vẫn bền vững đối với môi trường, đối với nền kinh tế địa phương, và quan trọng nhất là bền vững đối với khí hậu.

Trong lĩnh vực an ninh khu vực, Mỹ và Việt Nam đang mở rộng sự cộng tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa cũng như năng lực tìm kiếm và cứu nạn. Hai nước cũng đang làm việc chặt chẽ hơn bao giờ hết về các nỗ lực gìn giữ hòa bình. Năm tới, Việt Nam sẽ tham gia lần đầu tiên vào các hoạt động gìn giữ hòa bình toàn cầu của Liên Hợp Quốc.

Không khu vực nào có an ninh nếu thiếu đi sự thực thi luật pháp hiệu quả trong vùng biển chủ quyền. Ngoại trưởng Kerry đã thông báo khoản trợ giúp mới trị giá 32,5 triệu USD dành cho việc thực thi luật pháp trên biển tại các quốc gia Đông Nam Á. Khoản trợ giúp này, cùng với nhiều trợ giúp khác, sẽ bao gồm việc huấn luyện và cung cấp tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng cảnh sát biển. Dựa trên những nỗ lực đã có sẵn như Sáng kiến Vịnh Thái Lan, khoản trợ giúp này sẽ thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa trong khu vực về các vần đề biển và sau cùng sẽ giúp cho các quốc gia Đông Nam Á có thể thực hiện các hoạt động nhân đạo, đồng thời tuần tra, theo dõi vùng biển của mình một cách hiệu quả hơn.

“Đặc biệt, hòa bình và ổn định tại Biển Đông là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và của các nước trong khu vực. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của ASEAN với Trung Quốc để nhanh chóng tiến tới ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông”, ông Kerry nói thêm.

Nguồn Vnmedia