QH thảo luận tại tổ về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 : Cần chấm dứt đầu tư dàn trải, thiếu kỷ cương, hay đưa QH vào tình trạng sự đã rồi

Đồng tình với đề nghị của Chính phủ về việc phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 cũng như đánh giá nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP), song nhiều ĐBQH cho rằng, cần soát xét lại danh mục và mức phân bổ nguồn vốn này cho các dự án, công trình. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội lộ trình thực hiện và làm rõ hiệu quả kinh tế – xã hội của các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn này; chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu kỷ cương trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ hoặc tránh để Quốc hội rơi vào tình trạng sự đã rồi.

ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An): Chính phủ cần có danh mục đầu tư cụ thể trình QH xem xét, quyết định nhằm mang lại hiệu quả nhanh nhất và cao nhất

Phân tích về tác động đến lạm phát, việc Chính phủ đề xuất phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 ước tính chỉ bằng 1,2% GDP bình quân của giai đoạn này. Thoạt nhìn con số này khó có thể tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, theo phân tích trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, thì việc huy động này hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính, trong đó ngân hàng thương mại chiếm 86% và các định chế tài chính khác chiếm 12%, có thể dẫn đến một số lo ngại. Thứ nhất là dòng tiền chỉ tập trung cho xây dựng cơ bản mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất. Điều này phần nào dẫn đến sự mất cân đối giữa đồng tiền và tổng sản phẩm vật chất xã hội, gây tác động đến lạm phát. Thứ hai, dòng tiền sẽ chuyển vào các doanh nghiệp xây dựng, trong đó không ngoại trừ khả năng dòng tiền sẽ quay trở về với các lĩnh vực mà các doanh nghiệp này đầu tư, đặc biệt ở các ngân hàng thương mại đang có mối quan hệ về bất động sản với tài chính. Trong trường hợp này, đương nhiên cũng có tác động mất cân đối giữa dòng tiền và tổng sản phẩm vật chất của xã hội.

Cũng theo nhận định của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, thì tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao. Tôi lo ngại về khả năng trả nợ và cho rằng cần dự liệu đầy đủ hơn khả năng trả nợ sẽ tác động đến các định chế tài chính mà trái phiếu Chính phủ sẽ huy động. Nếu như vậy thì tất yếu sẽ dẫn đến việc các định chế tài chính này sử dụng trái phiếu Chính phủ như một sản phẩm tài chính tái sinh. Tức là khi ngân hàng thương mại, các định chế tài chính mua trái phiếu Chính phủ, thì trái phiếu Chính phủ đương nhiên trở thành sản phẩm tài chính và có thể sử dụng sản phẩm tài chính này để tái sinh, cầm cố bất kỳ hoạt động nào trong tài chính; trong khi đó, Chính phủ chưa có đánh giá rõ ràng về hiệu quả cũng như chưa có quy chế kiểm soát hiệu quả của quá trình này. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi khi đưa ra chính sách cần đánh giá, phân tích, kiểm soát một cách hệ thống, có cách nhìn tổng quát hơn về các giải pháp, tránh những tác động có thể có trong trung và dài hạn. Cho nên, tôi cho rằng, việc phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ không chỉ để giải quyết bài toán thất thu mà còn có thể tác động đến hệ thống tài chính quốc gia.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, với việc phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016, thì nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP). Song như thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được QH cho phép nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn. Đề nghị cần có những phân tích dài hạn về khả năng trả nợ nhằm kéo dãn nợ công trong tầm nhìn dài nhạn. Vấn đề này, Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến.
Tôi đồng tình với chủ trương phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 và đề nghị Chính phủ cần có danh mục đầu tư cụ thể để QH xem xét, quyết định nhằm mang lại hiệu quả nhanh nhất và cao nhất, bảo đảm nguồn vốn này sẽ đầu tư cho những dự án thực sự cấp thiết cho đời sống của nhân dân.

Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ triển khai các giải pháp kiểm soát, đánh giá hệ quả của quá trình huy động cũng như hiệu quả đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ 2 lần/năm. Đặc biệt là đối chiếu với chỉ số lạm phát, và tính ổn định của các định chế tài chính, để có những điều chỉnh kịp thời về phương diện mức đầu tư và các quy định kèm theo.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh): Nếu thấy cần thiết, QH nên ban hành Nghị quyết về tiết kiệm chi, vì trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay thì đòi hỏi phải tiết kiệm nghiêm ngặt

Tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2014 – 2016. Nhưng điều băn khoăn là kỷ cương trong điều hành ngân sách những năm vừa qua còn nhiều vấn đề cần xem xét nghiêm túc. Thẳng thắn mà nói, công tác điều hành thời gian qua phải có giữ kỷ cương, vì nếu không như vậy thì sẽ không đạt được thành tựu phát triển kinh tế – xã hội như hiện nay. Nhưng vì còn một số hạn chế trong việc chấp hành kỷ cương điều hành chính sách, nên khi phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng bội chi phải soát xét lại các dự án, công trình được đưa ra. Cần soát xét lại để trong từng hạng mục, công trình đưa ra có huy động được các nguồn vốn khác ngoài vốn trái phiếu Chính phủ và đưa nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển. Chính phủ cần báo cáo với Quốc hội lộ trình thực hiện trong thời hạn bao nhiêu và phải làm rõ được hiệu quả kinh tế – xã hội của các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ này. Điều này sẽ tránh đầu tư dàn trải, thiếu kỷ cương trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ hoặc tránh để Quốc hội rơi vào tình trạng sự đã rồi.

Về tiết kiệm chi, tôi đề nghị, QH cần bàn kỹ và yêu cầu Chính phủ có báo cáo cụ thể. Nếu thấy cần thiết, QH nên ban hành Nghị quyết về tiết kiệm chi, vì trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay thì đòi hỏi phải tiết kiệm nghiêm ngặt. Hiện nay, do tình hình kinh tế khó khăn nên người dân và doanh nghiệp phải vật lộn để tồn tại, đóng góp từng đồng vào ngân sách nhà nước. Nhưng tôi thấy trong sử dụng ngân sách có nơi còn lãng phí rất lớn. Tôi thấy xót với từng đồng được tiêu vào những đêm hội, festival, lễ khởi công công trình hoành tráng… Và chúng ta không thể và không nên chỉ dừng lại ở lời nói mà phải chuyển thành kỷ cương trong chi tiêu ngân sách nhà nước, thành kỷ luật trong quá trình lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Quốc hội cần đưa ra những quy định và yêu cầu Chính phủ thực hiện nghiêm ngặt. Tất nhiên, đối với tiết kiệm chi không thể chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, siết chặt mọi khoản chi. Khoản nào đáng chi thì phải chi để đầu tư đến nơi, đến chốn, phát huy tối đa hiệu quả của từng đồng vốn đầu tư. Nhưng khoản nào lãng phí tiền của dân thì phải thực hiện đúng với kỷ cương chi tiêu ngân sách. Việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương có lẽ cần áp dụng cách chi tiêu của những người nội trợ là: chắt bóp từng đồng một, chỉ chi cho khoản nào thực sự cần, còn nếu không cần thì một đồng cũng không bỏ ra.

ĐBQH Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng): Cần xác định kỹ hơn việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ

Tôi đồng ý với lý do của việc phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Song, trong phần kiến nghị, tôi thấy, kiến nghị của Chính phủ về 4 nội dung phân bổ nguồn trái phiếu thì chỉ thấy nội dung nguồn phân bổ cho Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 có Phụ lục Danh mục 17 dự án kèm theo. Tuy nhiên trong danh mục 17 dự án, tôi thấy chưa thể hiện hết được ý đồ nâng cấp, mở rộng để bảo đảm Quốc lộ 1A là tuyến huyết mạch từ Bắc vào Nam. Trong 17 dự án đó, theo phụ lục số 12 chỉ có dự án mở rộng từng đoạn (17 đoạn ưu tiên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016) mà chưa nói đến toàn tuyến Quốc lộ 1A. Như vậy chưa thể hiện hết yêu cầu thực tế hiện nay. Bởi nếu đi toàn tuyến này có thể thấy, tuyến Quốc lộ 1A đoạn cực Nam, từ Cần Thơ đến Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau vừa qua tuy đã được đầu tư, nhưng hiện đã xuống cấp do điều kiện địa hình và đặc điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do tập quán và điều kiện địa hình, hầu như hàng hóa ở khu vực này, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, thủy – hải sản góp phần tăng thu xuất khẩu cho cả nước, đều vận chuyển bằng đường bộ. Đề nghị cần xác định lại việc phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ này, bảo đảm khai thác được hết hiệu quả của Quốc lộ 1A và không chỉ đầu tư để mở rộng mà là nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A. Cụ thể nên có dự án xây dựng, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ – Cà Mau, chứ không chỉ có đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp để khai thác có hiệu quả toàn tuyến và đặc biệt là vùng cực Nam của đất nước.

Nguồn ĐBND