Tiền Giang có 13 cơ sở chăn nuôi gà đạt chuẩn Viet GAP

(THTG) Để khai thác hiệu quả kinh tế từ lợi thế có tổng đàn gia cầm nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trên 17 triệu con, thời gian qua, ngành thú y tỉnh Tiền Giang phối hợp với các cơ sở chăn nuôi gia cầm xây dựng quy trình chăn nuôi đạt chuẩn Việt GAP và đến thời điểm này đã có 13 cơ sở được chứng nhận, mở ra nhiều kênh tiêu thụ mới với giá bán cao hơn so với chăn nuôi bình thường.

vlcsnap-2022-01-05-09h48m54s969.png

vlcsnap-2022-01-05-09h49m23s760.png

vlcsnap-2022-01-05-09h51m59s522.png

Một cơ sở chăn nuôi gà ở huyện Gò Công Tây. Ảnh: Bá Thủy

Cùng với con giống chất lượng cao, sạch bệnh, các cơ sở chăn nuôi gà Việt GAP phải đáp ứng các yêu cầu về chuồng trại xa khu dân cư, được thẩm định đạt chuẩn môi trường, thiết kế theo kiểu trại kín, kết hợp với đầu tư công nghệ tự động hóa hệ thống băng chuyền và ống dẫn để cung cấp thức ăn, nước uống tự động và thu trứng tự động đã giảm đáng kể công lao động thủ công. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý vật tư đầu vào, quá trình sản xuất, sản phẩm đầu ra, đã giúp truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cơ sở đạt chuẩn Việt GAP còn sử dụng công nghệ mã quét QR code, tem truy xuất, từ đó người tiêu dùng có thể trực tiếp kiểm tra, thu thập đầy đủ thông tin về nguồn thịt, trứng gia cầm đang lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, so với tổng đàn gia cầm hiện có thì số cơ sở chăn nuôi gia cầm đạt chuẩn Việt GAP còn khiêm tốn. Trong năm 2022, ngành thú y Tiền Giang khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi mạnh dạn áp dụng quy trình chăn nuôi Việt GAP, để không những hạn chế bùng phát dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm… mà còn dễ dàng tham gia các kênh tiêu thụ trực tuyến, các sàn giao dịch điện tử, nhằm thích ứng với diễn biến của dịch Covid-19.

Kim Nữ