Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về công tác phòng chống dịch Covid-19

(THTG) Chiều ngày 31-7, GS-TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến làm việc tại tỉnh Tiền Giang về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Tham gia buổi làm việc có TS-BS Nguyễn Vũ Thượng – Viện phó Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Tiền Giang. Về phía tỉnh Tiền Giang, tiếp đoàn và làm việc voới đoàn công tác Bộ Y tế có ông Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Covid 19 tỉnh, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh.

Bo truong y te lam viec 1

Bo truong y te lam viec 2

Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với đoàn về công tác tổ chức phòng chống dịch của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trần Liêm

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với đoàn về công tác tổ chức phòng chống dịch của tỉnh Tiền Giang. Theo đó, đến ngày 31/7/2021, toàn tỉnh có 127 ổ dịch, với tổng số 2.590 bệnh nhân F0, 1.209 F1 đang cách ly tại nhà, 3.125 F1 đang cách ly tập trung; điều trị khỏi 384 bệnh nhân; tử vong 47 bệnh nhân. Toàn tỉnh đã thành lập 396 Tổ truy vết với 1.412 người; 221 Tổ lấy mẫu xét nghiệm với 721 người; Đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR: 61.640 mẫu gộp, 52.281 mẫu đơn trong cộng đồng và khu cách ly; 9.359 mẫu gộp trong khu, cụm công nghiệp.

Toàn tỉnh có 70 cơ sở cách ly y tế tập trung của tỉnh và các huyện, thành, thị, với công suất 5.482 giường; 08 cơ sở cách ly có thu phí tại khách sạn; 1.211 F1 đang cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang đã thành lập 05 Bệnh viện Dã chiến quy mô 2.710 giường; 01 Bệnh viện Truyền nhiễm số 6 thuộc Bộ Quốc phòng và 01 Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 với quy mô 80 giường, trang bị cơ sở vật chất hiện đại, máy thở và hệ thống oxy theo quy định.

Tiền Giang đã triển khai 755 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, 364 chốt phong tỏa, 350 Đội, Tổ tuần tra, kiểm soát lưu động phòng, chống dịch; thành lập 9.005 Tổ Covid cộng đồng, với 25.106 người. Tính đến ngày 29/7, tỉnh đang quản lý khoảng 10.000 người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.

Bo truong y te lam viec 4

Bo truong y te lam viec 5

Bo truong y te lam viec 6

Đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Liêm

Tỉnh Tiền Giang có 04 khu công nghiệp, 05 cụm công nghiệp đang hoạt động với 110.000 người, có khoảng 1.500 lao động nước ngoài. Đã thực hiện test nhanh cho 20% công nhân theo chủ trương của Chính phủ và lấy trên 25.000 mẫu gộp xét nghiệm RT-PCR cho công nhân trong khu, cụm công nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành văn bản từ ngày 05/8/2021, tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đang thực hiện “03 tại chỗ”, cho đến khi có thông báo mới. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang siết chặt việc kiểm tra, xử lý, kiên quyết dừng hoạt động của các chợ tạm, chợ tự phát, tăng cường kiểm soát hoạt động các chợ truyền thống; test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hoặc xét nghiệm Realtime RT-PCR toàn bộ tiểu thương trong chợ. Tỉnh đã hoàn thành công tác tiêm ngừa vắc xin với 42.221 liều, đạt 104%; không có phản ứng mạnh sau tiêm. Hiện tỉnh đã có 04 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR; 02 máy có công suất hơn 1.000 mẫu đơn/ngày đêm/máy; 02 máy có công suất hơn 500 mẫu đơn/ngày đêm/máy.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng đã báo cáo với đoàn công tác Bộ Y tế về những khó khăn hiện nay của tỉnh Tiền Giang, đó là năng lực của một bộ phận y tế cấp cơ sở chưa đồng đều; chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác chống dịch nên còn lúng túng. Về nhân lực, phần lớn là bác sĩ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm phải trực cấp cứu những trường hợp bệnh khác và bệnh Covid-19 nặng. Do biến chủng mới Delta lây nhiễm nhanh, nhận định tình hình diễn biến dịch có lúc chưa kịp thời, nên việc xử lý, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; khu cách ly, bệnh viện dã chiến còn thiếu, phải thường xuyên bổ sung. Dù đã được đầu tư, trang bị nhưng vẫn còn thiếu các trang thiết bị chuyên dụng cho điều trị bệnh nhân nặng.

Việc điều trị các ca bệnh nặng đã vượt quá khả năng của tỉnh. Đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế khẩn cấp hỗ trợ tỉnh trang thiết bị cần thiết; hỗ trợ đồ bảo hộ y tế để đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế và đặc biệt là hỗ trợ thêm cho tỉnh một số y, bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong; cụ thể 10 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu; 30 điều dưỡng; 50 nhân sự xét nghiệm, lấy mẫu. Đối với các ca bệnh nặng, vượt khả năng điều trị của tỉnh, đề xuất được chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện tuyến trên để được điều trị.

May xet nghiem PCR 2

May xet nghiem PCR

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime RT-PCR tại CDC Tiền Giang

Về trang thiết bị, ngoài sự hỗ trợ cho tỉnh Tiền Giang một số trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: 02 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR; 01 máy tách chiết, 110.000 test sinh phẩm chẩn đoán nhanh; 01 xe tiêm vắc-xin lưu động; 01 xe vận chuyển vắc-xin. Tỉnh Tiền Giang đề nghị được tiếp tục hỗ trợ các trang thiết bị cho Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 (ICU) bổ sung 68 máy thở xâm nhập và 01 máy ECMO. Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ: Cần bổ sung 04 máy X-quang di động; 04 máy siêu âm; 04 máy xét nghiệm sinh hóa; 04 máy xét nghiệm huyết học và hỗ trợ khẩn cấp các trang thiết bị, sinh phẩm khẩu trang, bộ kit test kháng nguyên nhanh, 02 máy thở chức năng cao,  20 máy thở xâm nhập và không xâm nhập và 01 xe tiêm vắc xin lưu động.

Bo truong y te lam viec  8

Bo truong y te lam viec 7

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Liêm

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những nổ lực của tỉnh Tiền Giang vượt qua khó khăn để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, cũng như sự phối hợp của đội ngũ chuyên gia, nhân lực của Bộ Y tế đồng hành cùng chống dịch.  Bộ trưởng nhấn mạnh tỉnh Tiền Giang cần thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16, tăng cường các biện pháp cách ly, truy vết, khoanh vùng, phong tỏa hẹp. Sử dụng rộng rãi hơn test nhanh, không nên sử dụng nhiều PCR. Sử dụng chiến lược xét nghiệm một cách linh hoạt, kết hợp với tất cả các hình thức với nhau, có kế hoạch tập trung nơi nào nguy cơ cao và nguy cơ rất cao.

Đối với công tác điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý địa phương thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về phân tầng điều trị, trong đó ở tầng điều trị 2, cần cho các cơ sở y tế phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm. Tầng điều trị thứ 3 chỉ dành điều trị bệnh nhân nặng, rất nặng tại Trung tâm hồi sức có sự hỗ trợ của đội ngũ y tế từ Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ y tế. Thực hiện nghiêm phân tầng này để tránh quá tải cho bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn, từ đó hạn chế thấp nhất tử vong.

Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ trưởng đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh có dịch, nhất là nhanh chóng có kế hoạch trong tháng 8 này khi có vacxin phân bổ về.

Về các kiến nghị của tỉnh, Bộ y tế ủng hộ Tiền Giang tối đa những khó khăn hiện nay của tỉnh, theo đó sẽ xem xét và có hướng hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị y tế. Bộ sẽ bổ sung ngay các trang thiết bị, sinh phẩm khẩu trang.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Vĩnh gởi lời cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn công tác của Bộ Y tế và cho biết, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, cũng như các đơn vị hỗ trợ của Bộ Y tế nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, nhất là làm sao để không gia tăng ca nhiễm và ca tử vong.

Bo truong y te kiem tra 1

Bo truong y te kiem tra 2

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra  Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid -19 và Bệnh viện dã chiến số 5. Ảnh: Trần Liêm

Sau buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã trực tiếp đến kiểm tra và nắm bắt tình hình điều trị tại Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid -19 đặt tại cơ sở Bệnh viện Y học Cổ truyền Tiền Giang, (đường Thủ Khoa Huân, phường 1, TP. Mỹ Tho) và Bệnh viện dã chiến số 5, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Tiền Giang.

Thanh Xuân