Cứng rắn và không ngại vấn đề nhạy cảm, Mỹ đối phó với Trung Quốc từ “vị thế của sức mạnh”

Liệu cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn biến thế nào khi Nhà Trắng thống nhất trong lập trường cứng rắn với Bắc Kinh và sẵn sàng “chạm” đến những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ 2 bên?

Lập trường cứng rắn của Nhà Trắng với Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ áp dụng một lập trường “cứng rắn” trong cuộc gặp đầu tiên với các quan chức cấp cao Trung Quốc, đồng thời nếu ra một số vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ hai bên, các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden nhận định với báo giới tối 16/3.

MT

(Từ trái sang phải) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tham dự một cuộc họp báo chung ở Tokyo ngày 16/3. Ảnh: Pool

Ngoại trưởng Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia nước này sẽ gặp mặt trực tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Alaska ngày 18/3. Một quan chức cấp cao Mỹ đánh giá mục tiêu của cuộc gặp này là bác bỏ bất kỳ nhận định nào cho rằng Tổng thống Biden sẽ áp dụng một lập trường mềm mỏng hơn với Trung Quốc đằng sau những gì ông thể hiện trước công chúng cho tới nay.

Hai quan chức cấp cao Mỹ cũng sẽ đề cập những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ – Trung, từ vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), Tân Cương cho tới các hành vi “cưỡng ép kinh tế” của Bắc Kinh với các đồng minh của Washington và những cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ.

Nguồn tin trên cũng tiết lộ, trước cuộc gặp với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Biden muốn hợp tác với các đồng minh mà minh chứng rõ nhất là việc hai quan chức cấp cao Mỹ gặp những người đồng cấp ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong cuộc gặp với những người đồng cấp Nhật Bản hôm 16/3, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác lập một tông giọng cứng rắn với Trung Quốc, thẳng thắn chỉ trích những hành vi của Trung Quốc mà phía Mỹ cho là “cưỡng ép” và “gây hấn”.

Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ phản đối khi cần thiết nếu Trung Quốc sử dụng các hành vi cưỡng ép và gây hấn để đạt được mục đích”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhắc đến “những hành vi làm suy giảm sự ổn định” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng chúng tôi sẽ duy trì sự cạnh tranh với Trung Quốc hoặc bất kỳ bên nào muốn đe dọa đến chúng tôi hoặc đồng minh”.

New York Times đánh giá những tuyên bố trên là những chỉ trích rõ ràng nhất trong những năm gần đây của các quan chức Mỹ với các hành vi khiêu khích của Trung Quốc với Nhật Bản cũng như phần còn lại thế giới.

Tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi Trung Quốc là “quốc gia duy nhất với quyền lực công nghệ, quân sự, ngoại giao và kinh tế thách thức nghiêm trọng hệ thống quốc tế mở và ổn định”.

Mỹ đã thể hiện hướng tiếp cận của mình, đó là đối phó với Trung Quốc từ “vị thế của sức mạnh”.

Vì thế, cuộc gặp cấp cao ở Alaska ngày 18/3 sẽ là cơ hội đầu tiên cho chính quyền Tổng thống Biden thể hiện Mỹ có ý định đối phó như thế nào với điều mà ông Blinken cho là “phép thử địa – chính trị lớn nhất của thế kỷ 21”.

Tính toán của Mỹ

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, việc cả Ngoại trưởng Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia cùng tham dự cuộc gặp trực tiếp với Trung Quốc trên đất Mỹ có ý nghĩa quan trọng bởi trước đây Trung Quốc thường chỉ gặp riêng Ngoại trưởng hoặc cố vấn an ninh quốc gia.

Với sự tham gia của cả ông Blinken và ông Sullivan trong cuộc gặp lần này, quan chức trên cho rằng thông điệp được truyền đi là: “Cuộc chơi mà Trung Quốc từng chơi trước đây nhằm chia rẽ chúng ta hoặc nỗ lực chia rẽ chúng ta đơn giản đã không còn hiệu quả ở đây nữa”.

Việc đưa cả ông Jake Sullivan vào cuộc gặp trực tiếp cấp cao đầu tiên với Trung Quốc còn là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách thể hiện một hướng tiếp cận toàn diện, mạnh mẽ và có sự tham gia của toàn bộ chính quyền với Trung Quốc.

Quan chức này cũng cho biết Trung Quốc mong muốn một tông giọng mới trong quan hệ Mỹ – Trung sau khi cựu Tổng thống Trump rời nhiệm sở, nhưng Mỹ yêu cầu “sự thay đổi hành vi” từ Bắc Kinh, chứ không chỉ là những tuyên bố nồng ấm hơn.

Trên thực tế, cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung sắp tới không phải cuộc gặp được tổ chức nhằm đạt được các thỏa thuận. Theo BBC, đây là cuộc gặp dành cho “những trao đổi thẳng thẳn” thiết lập những quy tắc cơ bản và những lằn ranh đỏ trong quan hệ 2 bên.

Nhà Trắng cũng không mong đợi sẽ đạt được bất kỳ đột phá nào sau cuộc thảo luận “chỉ vài giờ đồng hồ” ở Alaska và cũng không mong đợi đạt được một thỏa thuận hay tuyên bố chung giữa 2 bên. Phía Mỹ cũng coi cuộc gặp này chỉ là một sự kiện xảy ra một lần, chứ không phải khởi đầu của một tiến trình ngoại giao.

Cuộc gặp này cũng cho thấy chính quyền Mỹ thống nhất với lập trường rằng mối quan hệ với Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh chiến lược. Đó là lý do tại sao lần đầu tiên ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia cùng tham dự một cuộc họp. Những quan chức này có thể đóng góp vào một dự luật đang được định hình ở Thượng viện như một nỗ lực từ lưỡng đảng nhằm kiềm chế ảnh hưởng trên toàn cầu của Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn một cuộc trao đổi mạnh mẽ và thẳng thắn với một quốc gia là đối thủ cạnh tranh lớn của chúng tôi. Chúng tôi không muốn họ ảo tưởng về hướng tiếp cận cứng rắn của chúng tôi và chúng tôi muốn nghe quan điểm từ phía họ”, quan chức cấp cao Mỹ cho hay.

Nguồn vov.vn