“Học sinh đến trường không cần đeo mũ chắn giọt bắn”

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, việc cho học sinh đeo mũ chắn giọt bắn khi trở lại trường là sáng tạo của các địa phương.

Từ ngày 4/5, học sinh THCS và THPT tại nhiều tỉnh thành trên cả nước trong đó có Hà Nội, TPHCM đã đi học lại sau thời gian dài nghỉ phòng Covid-19.

Sau 2 ngày học sinh trở lại trường, đã có nhiều phản ánh và hình ảnh học sinh đi học đội mũ chắn giọt bắn và đeo khẩu trang. Có ý kiến cho rằng, mũ chống giọt bắn là không cần thiết, đồng thời gây khó chịu, nóng bức… cho học sinh trong điều kiện thời tiết oi nóng 2 ngày qua.

photo_1_1588654372613577140437_ycrf

Học sinh đeo mũ chắn giọt bắn khi trở lại trường học – Ảnh: Vietnamnet

Tại Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc cho học sinh đeo mũ chắn giọt bắn khi trở lại trường là sáng tạo phòng dịch của các địa phương.

Theo báo cáo, việc đưa học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19 được tiến hành theo 3 đợt. Đợt 1 – ngày 20/4/2020, có 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại. Đợt 2 – từ ngày 27/4, có 30 tỉnh, thành phố và Đợt 3 – ngày 4/5, 25 tỉnh, thành còn lại cho học sinh đi học. Chủ yếu là học sinh THPT và THCS, đặc biệt lớp 9 và 12 là những đối tượng quan trọng.

“Tỷ lệ học sinh đi học trở lại rất cao. Trong đó, học sinh THPT là 99% và THCS là 97%. Tỷ lệ học sinh tới rất tốt. Quan điểm của Bộ BD-ĐT rất rõ ràng: Đã đi học phải an toàn. Và vấn đề an toàn phải căn cứ vào các cơ quan chuyên môn. Trong đó, Bộ Y tế đã có văn bản ngày 21/4 hướng dẫn phương pháp an toàn và dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đã có văn bản phối hợp xây dựng 15 tiêu chí Nhà trường an toàn, với 4 tiêu chí cứng là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, trang bị nước rửa tay, khử khuẩn nhà trường… Các tiêu chí này không bao gồm việc đeo mũ chắn giọt bắn”, ông Độ nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, Bộ Y tế không hướng dẫn việc đeo mũ chắn giọt bắn. Ông Độ đồng thời khẳng định việc thực hiện các khuyến cáo chuyên môn của Bộ Y tế: “Nếu Bộ Y tế khuyến cáo đeo mũ chắn giọt bắn thì các trường học nên làm. Còn nếu chưa có, các địa phương có thể cân nhắc đưa ra các biện pháp phù hợp với thực tiễn”.

Học sinh đeo tấm chắn giọt bắn: Cần bỏ ngay để bảo vệ thị lực cho trẻ!

TS, bác sỹ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương: Tấm chắn giọt bắn là mặt phẳng cuốn thành hình cầu như mọi người đang đeo sẽ khiến ánh sáng đi lệch hẳn hướng, ảnh hưởng tới thị lực của học sinh…

Trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường học, ở một số nơi, để phòng chống dịch Covid-19, nhiều nơi học sinh ngoài việc đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn còn đeo cả tấm chắn giọt bắn. Trong thời tiết nóng nực của mùa hè, nhiều phụ huynh lo ngại việc trang bị quá kín như vậy khiến cho các con ngột ngạt, giảm hiệu quả học tập, thậm chí có thể khiến nhiệt độ cơ thể các con tăng cao.

Chị Phạm Thanh Hằng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 6 chia sẻ, “nhìn hình ảnh các con đeo khẩu trang, rồi lại đeo tấm chắn giọt bắn trong thời tiết nóng nực như thế, tôi thực sự thương các con. Người lớn ngồi trong phòng điều hoà, đeo khẩu trang chỉ cần vài còn bứt rứt, ngộp thở huống gì các con ngồi trong phòng không có điều hoà, mở hết các cánh cửa. Cửa mở, nếu thời tiết lạnh hoặc mát thì có lợi, làm thoáng phòng nhưng với thời tiết nóng nực như thế này, càng làm tăng nhiệt độ và ngột ngạt. Các lớp học hầu hết có quạt điện, nhưng với thời tiết nóng bức như thế, bật quạt có khi càng làm phả thêm hơi nóng vào người. Đi học như thế, tôi nghĩ không đảm bảo sức khoẻ cho các con”.

giot_ban_byrv

Học sinh và giáo viên trường Tiểu học Núi Thành, Đà Nẵng dùng kính chắn giọt bắn trong buổi học ngày 4/5. (ảnh: Vnexpress)

Chị Mai Liễu (Tập thể Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội), phụ huynh của học sinh lớp 7 cũng cho rằng, cần tính toán kỹ khi cho trẻ quay lại trường. Vẫn biết là phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, nhưng cũng cần đảm bảo sức khoẻ cho học sinh trong thời tiết oi nóng giữa mùa hè. Khi dịch đã tạm khống chế, có nhất thiết phải bắt các con thực hiện hết các quy định như đeo khẩu trang, không bật điều hoà… hay không? “Thực tế, con tôi mới đi học được một hai hôm, 12h trưa con mới tan học. Nhìn con mệt mỏi, nóng nực tôi rất thương con. Con nói trên lớp có quạt nhưng gió không đến được chỗ con ngồi nên gần như cả buổi con cảm thấy bức bối, khó chịu vì nóng”.

Có con đang học lớp 10, anh Lê Văn Thái (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội cũng cho rằng, lớp con trai anh học trên tầng cao, con lại ngồi cạnh cửa sổ khá nắng. Nhiều lúc nắng xiên vào mặt khiến con anh khá mệt mỏi, đau đầu. “Tôi nghĩ không nên áp dụng các quy định một cách máy móc quá mà phải tuỳ thuộc vào tình hình thực tế và điều kiện thời tiết. Chẳng hạn, cũng quy định này vào thời điểm tháng 2-3 nếu các con đi học trở lại phải khác với bây giờ. Ở thời điểm tháng 2-3, thời tiết còn lạnh, dịch bệnh cũng nhiều thì khuyến cáo đó là rất cần thiết và thực hiện khả thi. Nhưng giờ là tháng 5, thời tiết oi nóng, dịch cũng đã kiểm soát tương đối ổn, thì cũng nên có “giãn cách” các khuyến cáo, quy định để phù hợp với điều kiện thực tế. Vì nếu thực hiện quá máy móc, các con ốm hay tăng nhiệt độ so với quy định, không những gây hoang mang, lo lắng cho gia đình, nhà trường mà còn ảnh hưởng tới học tập của chính học sinh đó, thậm chí của cả trường nếu con bị ho sốt”.

Theo chị Phạm Thanh Hằng, cần phải có ngay những khuyến cáo hợp lý để các con tới trường vừa an toàn phòng chống dịch, vừa đảm bảo sức khoẻ trong mùa hè để học tập hiệu quả. Nhất là việc các con đeo tấm chắn, cần phải có khuyến cáo dừng ngay không kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực các cháu.

bs_cuong_fyom

TS, bác sỹ Hoàng Cương (ảnh trái), Bệnh viện Mắt Trung ương đang khám bệnh cho bệnh nhân

TS, bác sỹ Hoàng Cương, chuyên ngành nhãn khoa, Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng, với tấm chắn giọt bắn, nó là một mặt phẳng cuốn thành hình cầu như mọi người đang đeo. Khi đó nó sẽ như một thấu kính, ánh sáng bị lệch hẳn hướng, điều này sẽ khiến học sinh khá khó chịu. “Nếu nhìn qua tấm chắn giọt bắn chắc chắn sẽ gây mệt mỏi và không nhìn lâu được”.

TS, bác sỹ Hoàng Cương cũng cho rằng, chủ yếu các tấm chắn giọt bắn làm bằng nhựa, chất lượng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng lớn tới thị lực của trẻ, nhất là các em bị cận thị. Nó sẽ làm sai độ cận thị của các con. “Chắc chắn là khó chịu nhưng do trẻ không để ý hay sợ vi phạm quy định nên không dám nói. Đối với cháu bị cận, mắt kính phải làm bằng chất liệu phù hợp cho người bị cận thị, và thiết kế là không có vật chắn trước kính, nên giờ đeo thêm tấm chắn chắc chắn làm sai lệch độ cận và tia sáng tới mắt. Tôi nghĩ việc này nếu không phải là quy định thì nên bỏ để khỏi ảnh hưởng tới thị lực của học sinh. Không nhất thiết phải đeo tấm chắn giọt bắn như một số trường hiện nay”.

Nguồn vov.vn