Giải trí truyền hình trước áp lực công chúng: Làm dâu trăm họ

      “Quan trên trông xuống, người ta trông vào”, làm sao để hài lòng tất cả là một thử thách của các nhà tổ chức, sản xuất chương trình

     
      Khi sản xuất một chương trình, bài toán của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở việc làm thế nào để thu hút khán giả, làm thế nào để vừa hài lòng nhà cung cấp bản quyền, vừa lòng khán giả xem truyền hình mà còn phải chuyển hóa chương trình sao cho phù hợp với khán giả dù đó có là chương trình nổi tiếng với những đặc trưng riêng của nó.
Một tiết mục biểu diễn của các thí sinh cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn 2010 (Ảnh do chương trình cung cấp)

Đối đầu khó khăn

      Đối với những chương trình Việt hóa từ bản gốc của nước ngoài, nhà sản xuất chương trình vừa đáp ứng yêu cầu phải “phù hợp với văn hóa, lối sống Việt” vừa không được làm mất đi tính hấp dẫn nguyên bản từ phiên bản gốc, điều đã được kiểm chứng từ thực tế ở nhiều nước. Trong mỗi bản hợp đồng cung cấp bản quyền luôn có những quy định ràng buộc phải bám sát bản quyền và quá trình diễn ra chương trình ở Việt Nam luôn có một đội ngũ giám sát (đến từ công ty cung cấp bản quyền theo dõi nhằm bảo đảm chương trình phiên bản Việt không làm ảnh hưởng đến thương hiệu mà chương trình đã gầy dựng được).
 
Các nhà sản xuất chương trình tại Việt Nam đều thừa nhận yếu tố làm nên thương hiệu của chương trình được các nhà cung cấp bản quyền quan tâm đầu tiên là “độ nóng” của chương trình. Đại diện Công ty Đông Tây Promotion khẳng định: “Áp lực lớn nhất của một nhà sản xuất khi tham gia sản xuất một chương trình giải trí truyền hình được mua bản quyền nước ngoài là làm sao để đạt được tiêu chí đặt ra của nhà cung cấp bản quyền chương trình trong việc giữ thương hiệu của chương trình gốc trong điều kiện sản xuất của mình”.

Cũng định dạng chương trình như nhau nhưng được thực hiện ở Mỹ hay một nước nào đó thì kinh phí đầu tư cho chương trình luôn ở mức khổng lồ đủ để thu hút khán giả, còn ở Việt Nam, mức đầu tư sản xuất thường rất hạn hẹp.

“Trung bình một đêm diễn khi thí sinh vào top 5 của chương trình American Idol, nhà sản xuất ước tính có khoảng 60 triệu tin nhắn bình chọn cho thí sinh. Quy đổi thành tiền thì đây là con số khủng khiếp. Trong khi đó, ở Việt Nam, lượng tin nhắn đạt mức 1 triệu lượt trong một live show đã là con số mơ ước” - đại diện nhà sản xuất Vietnam Idol mùa đầu tiên chia sẻ.

“Khoan kể đến khoản lỗ hay lời, việc làm thế nào để chương trình phiên bản Việt có sức thu hút khán giả như yêu cầu của công ty cung cấp bản quyền đã là một điều rất khó” - ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, nói.

Bị giám sát tứ phía

Đến nay, những người trong giới vẫn chưa quên câu chuyện bất hòa giữa nhà sản xuất với công ty cung cấp bản quyền ở mùa giải đầu cuộc thi Vietnam Idol. Vì muốn đáp ứng yêu cầu của công ty cung cấp bản quyền trong việc thu hút khán giả theo dõi chương trình, nhà sản xuất đã “viện” đến giới truyền thông bằng cách cung cấp thông tin thí sinh cũng như sắp xếp những cuộc gặp gỡ giữa truyền thông với các thí sinh nổi bật.
 
Khi phát hiện điều này, đơn vị giám sát bản quyền chương trình cực lực phản đối dẫn đến tranh cãi không nhỏ vì “mọi thông tin về thí sinh phải được giữ kín, không để báo chí gặp gỡ thí sinh riêng vì điều đó có thể dẫn đến tình trạng không công bằng về kết quả bình chọn giữa các thí sinh”.

Thực ra, đây là một quy định đúng và thể hiện sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhà sản xuất lúc ấy đứng ở giữa, một bên là nhà cung cấp bản quyền,  một bên là nhu cầu của giới truyền thông, họ không biết phải làm thế nào cho vẹn đôi đường.

Nếu chỉ biết chăm chăm lo đầu tư cho nội dung chương trình sao cho gây sốt khán giả mà xem nhẹ  đến những yếu tố xã hội khác thì nhà tổ chức lẫn sản xuất cũng dễ bị cơ quan quản lý chức năng “thổi còi”. Vietnam Idol phải gián đoạn tổ chức một năm trước khi diễn ra mùa giải thứ 3 vì cơ quan chức năng không đồng ý cho phát sóng trên Đài Truyền hình TPHCM (HTV) với lý do “từ nay đến cuối năm 2008 đã có dày đặc các chương trình có nội dung tương tự trên sóng của HTV, đặc biệt là chương trình này không phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước…
 
Trong lúc còn rất nhiều ngày lễ lớn của đất nước, những chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của TP cần được tổ chức phát sóng để tuyên truyền”. Tuy không nêu trong các văn bản chỉ đạo nhưng cái tên “Thần tượng âm nhạc” không được nhiều người thuộc cơ quan quản lý văn hóa đồng tình.

Đến khi hệ thống nhân sự tổ chức và nhà sản xuất chương trình thay đổi, trong đó quyền tổ chức và sản xuất chuyển từ HTV, Đông Tây Promotion sang Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Công ty BHD, chương trình được phát sóng hai tập mỗi tuần trên sóng VTV6 của với lý do “VTV6 là kênh thanh thiếu niên và Vietnam Idol phù hợp với VTV6 hơn so với các kênh truyền hình khác”.

Cũng may là chương trình kết thúc tốt đẹp, Vietnam Idol 2010 nhận được Giải Cống hiến chương trình của năm 2010 nên cái tên “Thần tượng âm nhạc” không còn là vấn đề.