Doanh nghiệp Tiền Giang đầu tư hơn 500 tỷ đồng dự trữ hàng thiết yếu trong mùa dịch bệnh Covid-19

(THTG) Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid -19;  thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, Sở Công Thương đã khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như: Tổ chức đoàn khảo sát và làm việc với các siêu thị, cửa hàng tiện ích về tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân từ 70-100%. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại, giá cả, dự trữ không để khan hiếm hàng hóa thiết yếu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường,… Đồng thời Sở Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang,…

vlcsnap-2019-12-24-10h41m29s296

 

vlcsnap-2019-01-29-09h22m32s694

 

Nhu yếu phẩm được các hệ thống phân phối lớn tại Tiền Giang chuẩn bị với số lượng lớn. Ảnh: Bùi Phong, Lê Long

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có các hệ thống phân phối lớn, gồm: 4 siêu thị lớn (Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy; Siêu thị Big C Go! Mỹ Tho); trên 65 cửa hàng tiện ích của hệ thống Bách hóa Xanh, Vinmart+ và 06 cửa hàng chi nhánh của HTX TMDV phường 1 TP Mỹ Tho,… đảm bảo cung cấp đầy đủ các sản phẩm thiết yếu, nhu yếu phẩm như: gạo, mì, đường, sữa, dầu ăn, trứng gia cầm, nước rửa tay, khẩu trang,… với tổng số tiền dự trữ hàng hóa gần 1.000 tỷ đồng, trong đó hàng thiết yếu trên 500 tỷ đồng. Các hệ thống phân phối khẳng định, lượng hàng dự trữ rất phong phú, đủ cung cấp cho người dân, cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 30-50% các chủng loại thực phẩm từ hệ thống của mình cho người dân và điều tiết mức giá bán phù hợp, không tăng giá.

Bên cạnh mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện ích, tỉnh Tiền Giang còn có 173 chợ truyền thống phủ khắp các địa bàn, nên hàng hóa luôn cung ứng kịp thời tới người tiêu dùng, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng và biến động giá cục bộ.

vlcsnap-2020-03-09-15h42m03s635

Lượng dự trữ gạo được thống kê tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cung cấp đủ nhu cầu tiêu thụ cho thị trường nội địa, lẫn xuất khẩu. Ảnh: Lê Thi

Đối với mặt hàng gạo, hiện nay lượng gạo trong kho của một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn Tiền Giang có trên 50.000 tấn gạo, cùng với lượng gạo lớn từ chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc (huyện Cái Bè) trên 70 doanh nghiệp xay xát, lau bóng gạo và trong Cụm Công nghiệp An Thạnh có trên 29 doanh nghiệp có kho với sức chứa trên 45.000 tấn. Đây là nguồn cung dồi dào, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ gạo và đáp ứng được yêu cầu an ninh lương thực của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 của tỉnh Tiền Giang, hiện đang thu hoạch với tổng lượng khoảng 37.679 hecta, với sản lượng là 275.878 tấn lúa; diện tích lúa trổ là 2.993 hecta, lúa chín là 16.932 hecta chuẩn bị thu hoạch, năng suất thu hoạch là khoảng 7,32 tấn/hecta.

98396ad459e1a2bffbf0

3018866d11a2eafcb3b3

Trữ đàn gia súc, gia cầm dồi dào… Ảnh: Minh Nguyên

Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh hiện nay: đàn bò 119,5 ngàn con, đàn heo 359,7 ngàn con; đàn gia cầm 15,3 triệu con. Diện tích cây ăn trái hiện có 79.138 hecta, sản lượng thu hoạch hơn 283,2 ngàn tấn. Rau các loại có diện tích khoảng 25.664 hecta, thu hoạch 20.583 hecta với sản lượng 421.736 tấn.

Như vậy, có thể khẳng định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sở Công Thương Tiền Giang khuyến cáo người dân cần bình tĩnh và chỉ mua những hàng hóa cần thiết hằng ngày, không nên mua dự trữ,, dễ ảnh hưởng chất lượng hàng hóa và dễ gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo, đẩy giá tăng lên. Đồng thời, phải hết sức bình tĩnh, thực hiện tốt khuyến cáo của ngành Y tế và địa phương trong việc ứng phó và chủ động phòng, chống dịch Covid-19.

Với vai trò và nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương Tiền Giang sẽ thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, để chủ động có phương án, hoặc đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Ngoài ra, Sở Công Thương Tiền Giang tiếp tục phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi bất chính.

Phúc Huy