45 nghìn tỷ đồng tín dụng cho học sinh sinh viên

      Ngày 21-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết năm năm thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) nhằm đánh giá lại hiệu quả cũng như tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn của chính sách này trong quá trình thực hiện.

         

Hơn 43 nghìn tỷ đồng đã đến với HSSV

Nói về hiệu quả chương trình tín dụng HSSV theo quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nhận định, chương trình tín dụng đối với HSSV có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển.

Việc cho vay thông qua hộ gia đình, tổ tiết kiệm và vay vốn luôn có sự quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội, do vậy bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tính đến ngày 31-12-2012, tổng doanh số cho vay của chương trình đạt 43.326 tỷ đồng với hơn ba triệu lượt HSSV được vay vốn. Đến nay còn 1,9 hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học. Tỷ lệ trả nợ đúng hạn trên 95%.

Tỷ lệ vay không đúng đối tượng chỉ có hai người trên tổng số các hộ được vay vốn. Dự kiến trong vòng năm năm tới, tổng nguồn vốn dành cho HSSV sẽ lên tới 45.000 tỷ đồng. Các tổ chức xã hội sẽ tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vay vốn HSSV, và phấn đấu “không để một HSSV nào phải bỏ học vì thiếu tiền”.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, chương trình này giống như những “chiếc phao cứu hộ” giúp hàng triệu HSSV thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn theo đuổi ước mơ học hành, lập nghiệp. Chính sách hỗ trợ mang tính nhân văn này đã đóng góp tích cực, thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương nghèo, giúp một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp được thụ hưởng sự bình đẳng về giáo dục, đào tạo và có công ăn việc làm.

Sinh viên chưa tìm được việc ..khó trả nợ

Tuy phát huy hiệu quả, song nhiều địa phương bày tỏ sự băn khoăn về chính sách vay vốn hiện nay.

Ông Trần Minh Kỳ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhu cầu về vốn vẫn còn nhiều khó khăn, chẳng hạn, đầu năm học, đầu kỳ học, vốn giải ngân rất chậm, chưa ổn định, bền vững, gây khó khăn cho người vay vốn. Sinh viên ra trường ít xin được việc làm nên không có điều kiện trả nợ.

Vì vậy, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ cần bổ sung chính sách gia hạn cho HSSV ra trường nhưng chưa có điều kiện trả nợ, chưa tìm được việc làm mà gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. Cần tạo ra nguồn vốn ổn định, bền vững đồng thời ban hành cơ chế quản lý chặt chẽ giữa nhà trường, nơi công tác của HSSV, hộ gia đình và Ngân hàng Chính sách xã hội để có kế hoạch thu hồi nợ.

Ông Bùi Văn Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, Bến Tre cũng đề xuất nâng mức cho vay phù hợp mặt bằng giá cả tăng để không có bất kỳ HSSV nào phải bỏ học vì không có tiền.

Theo ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tuy kinh tế khó khăn nhưng Nhà nước vẫn bảo đảm những chính sách an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm nguồn vốn, đảm bảo hoạt động của chính sách tín dụng này. Chính phủ sẽ huy động trái phiếu, kêu gọi tổ chức tín dụng trích ứng 2% cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Nếu không đủ Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra cấp đủ vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Dù đất nước khó khăn đến mấy cũng phải đảm bảo nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội nói chung, đảm bảo vốn vay cho HSSV nói riêng.

Sinh viên cần có tâm thế tự tạo việc làm

Theo bà Nguyễn Kim Thúy vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay là việc làm của HSSV. Nhiều em tốt nghiệp đại học, cao đẳng vài ba năm nhưng không tìm được việc làm. Thậm chí có sinh viên tốt nghiệp xong đại học (ĐH) lại quay về học nghề để xin vào làm việc tại một cơ sở sản xuất. Như vậy rõ ràng nếu không có chính sách hỗ trợ thì thời gian, tiền bạc cho đào tạo sẽ bị lãng phí.

Bà Thúy cho rằng cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức của toàn xã hội về định hướng việc làm cho tất cả mọi người. Ước muốn con học cao là không sai nhưng tất cả cùng vào ĐH dẫn tới tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, quá nhiều HSSV không tìm được việc sau khi có bằng ĐH trên tay.

Nếu không tuyên truyền thật mạnh để định hướng nghề nghiệp thay đổi nhận thức cần vào ĐH bằng mọi giá thì sẽ dẫn đến vòng luẩn quẩn, bằng cấp cao nhưng… thất nghiệp.

Một điều khiến công cuộc trả nợ tiền đã vay của HSSV sau khi ra trường đó là chúng ta chưa đào tạo HSSV có tâm thế tự tạo việc làm sau khi ra trường. Muốn làm được điều này phải có chính sách phù hợp như “bà đỡ” để một nhóm sinh viên có kiến thức, sức trẻ có thể tụ hội lại, tự tạo được việc làm cho chính mình.

Theo bà Thúy, để tạo việc làm tại thành phố không dễ nhưng nếu các bạn trẻ có kiến thức trở lại vùng nông thôn mang tiến bộ khoa học áp dụng vào sản xuất tại các vùng nông thôn thì không khó tạo ra việc làm có thu nhập.

Hiện tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đối với trường công lập là khoảng 70%. Ngành giáo dục đào tạo cũng đang rất nỗ lực cho các em tốt nghiệp ra trường có việc. “Tuy nhiên cơ cấu ngành nghề của chúng ta hiện “có vấn đề” nên phải tìm cách tháo gỡ”, ông Trần Quang Quý – Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo nói.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, con số ba triệu lượt HSSV đã được vay vốn đã cho thấy, nếu không có chương trình này sẽ có nhiều HSSV không có cơ hội học lên. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan bàn kế hoạch vốn cụ thể phục vụ đủ nhu cầu, xem xét tăng mức vay theo lộ trình tăng học phí của Bộ Giáo dục Đào tạo, không vay bình quân mà cụ thể theo từng ngành cụ thể.

Bên cạnh đó cũng cần tính đến phương án gia hạn chậm trả nợ khi chưa có việc làm. Thực tế có người không có việc làm, có người có thể làm trái nghề phải trả một phần. “Vấn đề này cần bàn kĩ, không gây sức ép quá đáng nhưng cũng phải tìm cách thu hồi nợ.”, ông Nhân nói.