Những món ăn ‘lấy may’ ngày Tết

Từ xa xưa, trong văn hóa ẩm thực Việt Nam đã xuất hiện quan niệm về những món ăn may mắn. Niềm tin ở thực phẩm may mắn rõ nét nhất ở mỗi dịp lễ tết, bởi người ta thường hi vọng ở năm mới sự thịnh vượng.

Tết là dịp mở màn cho các lễ hội đầu xuân, nhưng nhắc đến Tết người ta cũng thường nhắc tới thú vui ẩm thực tao nhã. Từ xa xưa, trong văn hóa ẩm thực Việt Nam đã xuất hiện quan niệm về những món ăn may mắn. Trên mâm cỗ cúng gia tiên đầu năm không thể thiếu đĩa xôi gấc đỏ tươi – màu sắc hoan hỉ, may mắn; hay chiều 30, người Hà Nội thường mua một mớ mùi già để xua vận rủi năm cũ.

Không riêng gì người Việt, nhiều quốc gia khác nhau trong văn hóa tâm linh cũng tồn tại quan niệm về thực phẩm may mắn như sủi cảo là món ăn may mắn của Trung Quốc (có hình dáng giống quan tiền), kim chi đem đến cho người Hàn Quốc điềm lành, cá là thức ăn không thể thiếu trong ẩm thực Nhật bởi họ coi cá là động vật thông minh, mang đến sự sáng suốt cả năm. Ở Việt Nam, quan niệm may mắn có đôi chút khác biệt ở mỗi vùng miền. Niềm tin ở thực phẩm may mắn rõ nét nhất ở mỗi dịp lễ tết, bởi người ta thường hi vọng ở năm mới sự thịnh vượng. Chính vì thế, món ăn khai xuân nhất định phải có ý nghĩa may mắn sâu sắc.

Những món ăn 'lấy may' ngày Tết 1

Để đón tết cổ truyền, ngay từ tháng 10 âm lịch, các bà nội trợ đã bắt đầu chuẩn bị. Ngay trong sự bận bịu sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, người ta vẫn phải tìm mua bằng được trái gấc đỏ tươi, dành để thổi những đĩa xôi đỏ thơm ngon. Sắc xôi càng thắm càng thể hiện sự may mắn đong đầy.

Với mâm ngủ quả, chất lượng món ăn không còn là điều tiên quyết. Ta chỉ cần chọn những quả tươi ngon, bài trí đẹp mắt, màu sắc tươi sáng là đủ. Người Việt lấy tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên làm gốc nên bàn thờ gia tiên ngày Tết cũng được lau sạch sẽ. Mâm ngũ quả tượng trưng cho sự hiện diện của ngũ hành cũng là hiện thân cho mong ước năm mới may mắn, tài lộc của người Việt Nam.

Một thứ nữa không thể thiếu trong mỗi ngày Tết là bánh chưng. Đó là món ăn truyền thống có từ xa xưa, gắn với sự tích bánh trưng bánh dày. Bánh trưng mang đầy đủ tinh túy của trời đất với hạt nếp no tròn, nhân đậu xanh vàng ươm, thịt mỡ béo ngậy tượng trưng cho mong ước năm mới dồi dào, no đủ, sung túc và thịnh vượng. Người miền Nam dùng bánh tét thay bánh trưng cũng cũng ý nghĩa, ước mong tương tự.

Một chén rượu đào cũng mang ý nghĩa may mắn đầu xuân. Xưa có rượu cam, rượu quýt mang sắc đỏ tài lộc. Ngày nay, những loại rượu đó đã trở nên “hiếm có khó tìm”, người ta lựa chọn rượu vang để thay thế. Ly rượu đỏ đầu năm ngoài may mắn cũng là lời chúc xuân, khúc dạo đầu cho bữa tiệc khai xuân, hay mâm cơm đoàn viên đầm ấm.

Lại bàn về hoa quả, dưa hấu là loại quả may mắn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Dưa hấu có ruột bỏ bọc trong lớp vỏ xanh, tròn căng mọng nước, được bày trang trọng trên bàn thờ cúng gia tiên. Ngày đầu xuân, khi bổ đôi trái dưa, màu đỏ ngọt ngào như chúc mừng ta một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc. Màu sắc dưa hấu cũng nói lên được sự hưng thịnh ít nhiều của gia chủ trong năm. Người ta tin rằng, nếu trái dưa hấu đầu năm mà ruột đặc, màu đỏ tươi, mọng nước, ngọt lịm thì đó là báo hiệu một năm tuyệt vời. Bởi thế, mua dưa hấu bày Tết phải rất thận trọng… vì coi như đó là quẻ bói đầu năm, là một trong những món ăn may mắn truyền thống của người Việt Nam.

Những món ăn 'lấy may' ngày Tết 2

Ngoài những món không thế thiếu trong gia đình người Việt, theo các chuyên gia phong thủy, ăn những món dưới đây cũng góp phần mang lại may mắn cho gia chủ:

– Hào (con hàu): chữ “hào” giống cách phát âm của chữ “hảo” trong “hảo sự” (sự việc tốt đẹp). Hào cổ kết hợp với cải tóc tiên thành món ăn “phát tài hảo sự” (công việc tốt đẹp phát tài).

– Trư lợi (lưỡi heo): chữ “lợi” (lưỡi) giống cách phát âm của chữ ‘lợi” (lợi ích). Món này kết hợp với cải tóc tiên gọi là “phát tài đại lợi”.

– Ngư (cá): chữ “ngư” đồng âm với chữ “dư” (dư giả). Món này kết hợp với cải tóc tiên gọi là “niên niên hữu ngư” (năm nào cũng có dư).

– Nhữ trư (heo sữa): còn có tên gọi “cẩm tú hồng bào” (áo đỏ bằng gấm vóc, tức biểu tượng của giàu sang) vì lớp da ngoài của món heo sữa quay có màu đỏ.

– Sinh thái (rau sống): từ “sinh thái” giống cách phát âm của từ “sinh tài”. Món này kết hợp với hào cổ gọi là “sinh tài hảo sự”. Ngoài ra, món này còn được gọi là “phỉ thúy” vì màu sắc xanh tươi giống như ngọc phỉ thủy.

– Hạch đào: có màu cà phê, tương tự như màu hổ phách, làm món ăn gọi là “hổ phách”. Nếu phối với chả tôm viên gọi là “hổ phách hạ cầu” (chả tôm hổ phách).

– Hồng đậu sa (chè đậu đỏ): chữ “hồng” (đỏ) giống cách phát âm của chữ “hồng” (lớn) nên có tên gọi là “hồng vận đoàn viên” (cả nhà hộ tụ hội, có vận may lớn).

Niềm tin về thực phẩm may mắn như một giá trị truyền thống vô hình không chỉ phản ánh nét đẹp trong văn hóa ẩm thực nói riêng mà nó còn là điều bí ẩn về văn hóa Việt Nam nói chung. Qua món ăn may mắn cùng những triết l‎ý giản đơn đa phần xuất phát từ niềm tin, hi vọng, chúng ta như nhận ra nhiều điều, càng hiểu hơn cuộc sống tinh thần phong phú của người Việt.

Theo giadinh.net.vn