Ngành Y tế Tiền Giang – 50 năm xây dựng và phát triển
(THTG) Trong không khí thiêng liêng kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Y tế Tiền Giang tự hào nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ xây dựng, phát triển và trưởng thành cùng với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh trao Bức trướng tặng ngành Y tế Tiền Giang
Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang (lúc bấy giờ là tỉnh Gò Công và Định Tường) đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tiếp quản và khôi phục hoạt động các cơ sở y tế do chế độ cũ để lại, đồng thời bắt tay xây dựng hệ thống y tế mới phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước. Các đội y tế lưu động, tổ khám chữa bệnh lưu động được tổ chức đến tận các vùng sâu, vùng xa để chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đồng bào nghèo, gia đình chính sách, người già và trẻ em.
Khám và điều trị bệnh sốt xuất huyết tại BV Đa khoa Tiền Giang. Ảnh: Thanh Hoàng
Từ nền móng ban đầu đó, hệ thống Y tế Tiền Giang từng bước được củng cố và phát triển, góp phần tích cực vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Trải qua các thời kỳ, ngành Y tế Tiền Giang đã không ngừng phát triển cả về mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới, ngành đã tích cực triển khai các chương trình y tế quốc gia, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế và đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế.
Hiện nay, toàn tỉnh có hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được tổ chức đồng bộ, gồm 22 đơn vị y tế tuyến tỉnh, 11 trung tâm y tế huyện/thị/thành phố và 164 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang… từng bước được đầu tư hiện đại, thực hiện tốt công tác chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật tuyến trên.
Ngành cũng đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như tiêm chủng mở rộng, dân số – kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống bệnh không lây nhiễm…
Phát huy truyền thống vẻ vang qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Y tế Tiền Giang tiếp tục nỗ lực đổi mới toàn diện, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền y tế hiện đại, công bằng, chất lượng và hội nhập quốc tế. Định hướng đến năm 2030, ngành đặt mục tiêu phát triển đồng bộ cả y tế dự phòng và y tế điều trị, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại cơ sở.
Trong giai đoạn 2025 – 2030, ngành tập trung triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao năng lực y tế cơ sở, chú trọng y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đầu tư hiện đại hóa trạm y tế xã theo mô hình điểm y tế thông minh. Phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng y bác sĩ chuyên sâu, thu hút nhân lực về phục vụ tại tuyến huyện và xã, nhất là vùng sâu, vùng xa. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong ngành y tế, xây dựng hệ thống dữ liệu sức khỏe cá nhân, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh ứng dụng AI, IoT trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Củng cố hệ thống y tế dự phòng, chủ động kiểm soát dịch bệnh, tăng cường khả năng ứng phó y tế công cộng với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Thực hiện tốt công tác dân số – phát triển, nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản và người cao tuổi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Với hành trang là truyền thống 50 năm vẻ vang cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ, ngành Y tế Tiền Giang quyết tâm xây dựng một nền y tế thông minh, phát triển y học chính xác. Ngành y tế sẽ phát triển theo hướng lấy người dân làm trung tâm, lấy y đức làm gốc, lấy khoa học công nghệ làm động lực, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách công bằng, hiệu quả và nhân văn. Từ đó, góp phần xây dựng xã hội khỏe mạnh, hạnh phúc, phát triển bền vững và giàu tính nhân văn.
Thanh Hoàng
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.