- Tỷ lệ lương hưu của người Việt Nam cao nhất thế giới - Vòng tứ kết Cúp Quốc gia 2023/2024 sẽ có 2 trận đấu được áp dụng công nghệ VAR. - Công bố thành lập thành phố Bến Cát trực thuộc tỉnh Bình Dương - Trao tặng 1.000 bình nước uống cho người dân huyện Gò Công Đông - Tuyên phạt ông Trần Quí Thanh 8 năm tù. - Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa đắc cử Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029. - Tỷ lệ lao động lĩnh vực nông nghiệp có việc làm sau đào tạo đạt từ 80% đến 85% - Xâm nhập mặn tại ĐBSCL ngày càng gay gắt, bất thường - Tiền Giang: Sẵn sàng tiêm 5.370 liều vắc xin 5 trong 1 cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. - Giá xăng dầu giảm mạnh trong kỳ nghỉ lễ. - ĐBSCL: Số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh…

Lắng lòng tưởng nhớ, tri ân

Lễ tưởng niệm như một dịp để mọi người tưởng nhớ, tri ân, nguyện cầu cho người đã khuất; xoa dịu nỗi đau, mất mát không gì bù đắp với người ở lại

Đúng 20 giờ ngày 19-11, lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP HCM phối hợp tổ chức chính thức diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội).

Xúc động và thiêng liêng

Dự lễ tưởng niệm tại điểm cầu TP HCM có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Điểm cầu Hà Nội có ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt là sự có mặt của thân nhân, gia đình đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.

Lễ tưởng niệm cũng diễn ra tại TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP HCM; các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng…, được truyền hình trực tuyến trên kênh VTV1 và tiếp sóng trên đài truyền hình các tỉnh, thành phố.

Trước khi lễ tưởng niệm chính thức diễn ra, nến trên tay các đại biểu được thắp lên. Khi màn hình phát phóng sự “Cuộc chiến sinh tử”, cả Hội trường Thống Nhất như lặng đi trước những mất mát quá lớn của đồng bào, đồng chí. Nhất là khi phóng sự nhắc đến sự hy sinh của bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn – nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè – nhiều đại biểu đã không cầm được nước mắt, tiếc thương cho một bác sĩ hết lòng phục vụ nhân dân. “Không biết nói sao nữa nhưng cũng rất tự hào vì có người chồng biết sống vì mọi người” – lời bà Thân Ngọc Hương, vợ bác sĩ Nhẫn, chia sẻ trong phóng sự càng làm các đại biểu thêm cảm phục.

Lắng lòng tưởng nhớ, tri ân - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc”.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, lực lượng vũ trang, nhân dân TP HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng dịch đã “chiến đấu kiên cường”, làm hết sức mình chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Nhưng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn 1 triệu người mắc Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào, đồng chí của chúng ta, đó là những công dân mẫu mực, những người lao động rất đỗi yêu thương, những cán bộ, thầy thuốc, nhân viên tận tụy với công việc, những chiến sĩ dũng cảm, những nhà thiện nguyện, tình nguyện viên nhiệt huyết, hết lòng, hết sức vì cộng đồng.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại dịch tàn ác đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm: cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ. Đại dịch tràn qua, để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời.

“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa” – ông Đỗ Văn Chiến bày tỏ.

“Đau lắm, mất người thân đau lắm”

Nghi thức chính thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 diễn ra lúc 20 giờ 30 phút. Tất cả đại biểu tại Hội trường Thống Nhất đồng loạt đứng lên với nhành cúc trắng và nến trên tay, dành một phút tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm, đặt bó sen trắng, nến rồi dâng 3 nén nhang để tưởng nhớ đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Trong dòng người có mặt tại buổi lễ tưởng niệm, chúng tôi đã nghe và thấu cảm nhiều câu chuyện về sự hy sinh, mất mát to lớn không gì có thể bù đắp của những người ở lại. Đó là câu chuyện của người chồng mất vợ, người mẹ mất con, người cháu mất dì…, những mất mát không gì bù đắp nổi.

“Đau lắm, mất người thân đau lắm” – câu nói nhói lòng của bà Trần Thị Mười (61 tuổi; ở phường Bến Thành, quận 1) khi cúi đầu tưởng niệm người chồng đã mất do Covid-19. Bà Mười nhớ lại ngày 1-9, chồng bà và 8 người trong gia đình mắc Covid-19. Gia đình xin chính quyền được ở nhà tự cách ly, chữa trị. Nhưng đến ngày thứ 5, chồng bà chuyển nặng, phải thuê bình ôxy về thở. “Ông ấy trở nặng rất nhanh, thở không được phải đưa vào bệnh viện vào ngày thứ 6. Đến ngày thứ 12, bệnh viện báo ông mất. Bảy ngày sau, ông về trong hũ tro cốt” – bà Mười khóc nghẹn. Lau dòng nước mắt, bà Mười xúc động nói tiếp: “Tôi nhớ chồng. Ông đi sao thật vội. Vợ chồng nhiều năm bên nhau, ông đi như vậy là bất ngờ quá với tôi, với cả nhà. Không bữa nào thắp hương cho ông mà tôi không khóc”.

Ông Nguyễn Văn Quang (69 tuổi, ngụ quận 1) nói: “Khi phóng sự “Cuộc chiến sinh tử” được phát lên, nghe phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi cảm nhận được sự mất mát to lớn của các gia đình, nỗi đau sẽ theo họ rất lâu trong cuộc sống sau này”.

Giờ đây, TP HCM và cả nước đang dần trở lại cuộc sống bình thường nhưng những mất mát để lại là quá lớn đối với nhiều gia đình. Lễ tưởng niệm như một dịp để mọi người lắng lòng, tưởng nhớ, tri ân, nguyện cầu cho người đã khuất; xoa dịu nỗi đau, mất mát không gì bù đắp đối với người ở lại. Đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh để biết trân quý cuộc sống an lành hiện tại, sống có ích hơn trong tương lai. Như lời Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi: “Qua tưởng niệm lần này, nhắc nhở chúng ta rằng chuyện thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cũng như những gì chúng ta đã trải qua từ trận đại dịch để có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đối diện với những hoàn cảnh như vậy trong tương lai, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại”.

Nguồn NLĐ

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*