Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang thăm lại Dinh Độc Lập và các địa chỉ đỏ tại TP.HCM

(THTG) Chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ngày 21/4, Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang tổ chức cho hội viên thăm lại Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh và tham quan một số địa điểm Văn hóa lịch sử tại thành phố Hồ Chí Minh.

Dinh Độc lập tọa lạc tại quận I, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chính là nơi ghi dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cách đây tròn 50 năm ngày 30/4/1975.

Đoàn đã đến thăm lại Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh

Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt này, trong chuỗi các hoạt động về lại chiến trường xưa, Đoàn Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang là những cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu đã trực tiếp tham gia làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đến đây tham quan và cùng ôn lại những trang sử hào hùng.

Cách đây 50 năm, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ 3 sọc đã hạ xuống và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập. Cũng chính vào giờ phút đó, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam.

Từ ngày 16 đến ngày 21/11/1975, Dinh Độc Lập đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc trong một đất nước Việt Nam thống nhất. Tiếp đó, các hội nghị hợp nhất các tổ chức quần chúng của cả nước (Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ) cũng đã được tổ chức tại đây. Để kỷ niệm các sự kiện chính trị đặc biệt này, Chính phủ đã quyết định đổi tên Dinh Độc Lập thành Hội trường Thống Nhất.

Với những giá trị lịch sử văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc Lập – nơi ghi dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2009.

Đoàn đã đến thăm lại Địa đạo Củ Chi

Nhân chuyến về nguồn tại thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang cũng đã có chuyến cảm nhận về sự đổi thay, phát triển vượt bậc ở đô thị đặc biệt của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới sau 50 năm bằng xe buýt hai tầng.

Trên hành trình xe buýt, cùng với sự nhộn nhịp chuẩn bị các hoạt động các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam tại thành phố mang tên Bác, Đoàn đã di chuyển từ Dinh Độc Lập qua Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bưu điện trung tâm Sài Gòn, Tòa tháp Bitexco, Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà – tượng Đức Mẹ, Phố đi bộ Bùi Viện, Bảo tàng Mỹ thuật. Không chỉ khám phá vẻ đẹp của Thành phố, các Cựu chiến binh còn hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa và lịch sử đã làm nên hồn cốt của nơi đây cũng như sự phát triển không ngừng của đô thị đặc biệt của cả nước.

Cùng với các địa chỉ đỏ tại thành phố mang tên Bác, Đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang cũng đã trải nghiệm thực tế Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) – tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh.

Trải nghiệm hành trình từ ga Bến Thành đến ga Tân Cảng, Đoàn có dịp quan sát, cảm nhận thực tế sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất đất nước khi tàu di chuyển trên cao.

Đoàn trải nghiệm hành trình từ ga Bến Thành đến ga Tân Cảng

Tuyến Metro số 1 dài gần 20km, gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm, 11 nhà ga trên cao) và 1 depot. Ga đầu tiên cũng là nhà ga Trung tâm – ga Bến Thành và ga cuối của hành trình là ga Suối Tiên. Tuyến Metro số 1 chính thức vận hành khai thác từ ngày 22/12/2024 không chỉ giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm mà còn mở rộng phát triển không gian đô thị ra phía Đông Thành phố, qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh một cách bền vững.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tuyến Metro số 1 không chỉ là một công trình giao thông đô thị hiện đại, mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn cao, hội nhập và phát triển bền vững của thành phố mang tên Bác.

 Mạnh Cường