Hiến pháp phải là sự kết tinh trí tuệ của toàn dân tộc

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được chính thức đưa ra trưng cầu dân ý trong vòng 3 tháng. Đây là cơ hội để mọi người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đóng góp những ý kiến vào dự thảo để Hiến pháp thật sự là kết tinh trí tuệ của toàn dân tộc.

Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, là đạo luật cơ bản của nhà nước ta. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đến nay đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến đổi to lớn, phức tạp và sâu sắc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung phát triển năm 2011 và các Văn kiện khác của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định rõ mục tiêu định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, nhằm xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.

Để thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 phù hợp với tình hình mới. Ngày 6/8/2011 Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 06 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Sau hơn một năm triển khai, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ngày 2/1 vừa qua, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có sự kế thừa những giá trị khoa học về nội dung và kỹ thuật lập hiến trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992. Dự thảo với 11 chương, 124 điều có nhiều sửa đổi, bổ sung và một số nội dung mới so với Hiến pháp hiện hành.

Dự thảo lấy ý kiến nhân dân lần này đã làm rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, quan điểm về chủ quyền nhân dân theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước, bổ sung và phát triển nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” theo tinh thần của cương lĩnh.

Liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, dự thảo làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, dự thảo đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng được xác định trong Cương lĩnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu và quyền tự do kinh doanh…

Về bảo vệ Tổ quốc, dự thảo khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Được coi là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nên việc sửa đổi Hiến pháp là vấn đề trọng đại của mỗi quốc gia. Thực tế, Hiến pháp của Việt Nam các năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung năm 2001 đều được lấy ý kiến nhân dân. Lần lấy ý kiến này chính là cơ hội để mọi người dân phát huy quyền làm chủ, tinh thần trách nhiệm của mình đóng góp những ý kiến vào dự thảo để Hiến pháp thực sự là kết tinh trí tuệ của toàn dân tộc./.

Người dân có thể gửi góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trực tiếp hoặc bằng văn bản tới các cơ quan, tổ chức; qua trang thông tin điện tử của Quốc hội (http://duthaonline.quochoi.vn), qua hòm thư của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (gopysuadoihienphap@cpv.org.vn), qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác. Bắt đầu từ ngày 2-1, kết thúc vào ngày 31-3-2013.