Bàn giải pháp để miền Tây sống chung với hạn – mặn

Sáng 27-3, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức Hội thảo “Sống chung với hạn, mặn vùng ĐBSCL”.

z5288456785570-8805bbee551d0af4525adfb5c9ec7196-605.jpg
Quang cảnh hội thảo

Theo ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam bộ, đến thời điểm hiện tại, mức độ xâm nhập mặn tại Tiền Giang, Bến Tre cao hơn so với năm 2016. Tại Bến Tre ngày 26-3, độ mặn 1‰ xâm nhập vào Cửa Đại khoảng 69km; sông Hàm Luông 72km… Đặc biệt, độ mặn quan trắc được tại trạm Mỹ Tho ngày 12-3 là 6,8‰, cao hơn nhiều so với năm 2016 (3,9‰); các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà mau… mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2016, 2020.

Cuối tháng 3 năm 2024, các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị kết thúc thu hoạch sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu 2024.

z5288468984072_c3ccaf334bfcd3048bd474063d7cdb66.jpg
Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ Lê Ngọc Quyền cho biết, các tháng còn lại của mùa khô 2024 vẫn rất gay gắt và phức tạp. Đợt triều cường gần nhất đã đẩy mặn vào khá sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày. Các kênh rạch một số tỉnh ĐBSCL đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh nam sông Hậu.

z5288563238198_afe22e181d766ab023d398b872a55638.jpg
Nhiều diện tích lúa ở Trà Vinh bị thiệt hại do hạn – mặn gây ra

Tính đến nay, mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016 – một trong những năm hạn, mặn kỷ lục ở ĐBSCL. Riêng tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016.

z5288456829721_b9345790d05c2f23786c30e70f552531.jpg
PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ

Theo PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, ngoài một số yếu tố tự nhiên nêu trên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng, làm công tác quản lý thủy lợi của mỗi địa phương gặp nhiều khó khăn.

Tính từ cuối năm 2015 đến nay, 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh thành công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn và đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những diễn biến hạn – mặn khá nghiêm trọng đang tác động tiêu cực đến một số địa phương trong vùng. Các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp để ĐBSCL thích nghi với hạn mặn.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Điệp (ĐH Cần Thơ), cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thích ứng với hạn mặn. Theo đó, hướng dẫn người dân trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong gia đình. Hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân canh tác phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng sinh thái. Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng, nghiên cứu, lai tạo giống cây mới chịu hạn, chịu mặn mang lại giá trị kinh tế cao. Tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo mặn. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi linh hoạt, đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt vừa thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nguồn nước bị ô nhiễm…

PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh: việc nâng cao nhận thức, thiết kế và triển khai chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó với tình trạng hạn mặn cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất cấp bách. Bên cạnh các biện pháp chung ở cấp vùng, mỗi địa phương trong khu vực cần thực hiện những biện pháp riêng phù hợp với điều kiện của mình.

Nguồn SGGP

Các bài viết liên quan