Đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang thảo luận và chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

(THTG) Ngày 05-12, Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục làm việc với phần thảo luận tại hội trường về các vấn đề còn ý kiến khác nhau tại các buổi họp tổ đại biểu chiều ngày 04-12 và nghe các sở ngành chức năng giải trình một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.

20191205105717_IMG_3202

20191205081133_IMG_3102

Quang cảnh phiên thảo luận và chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Tiền Giang khoá IX. Ảnh: Minh Trung

Tại phiên thảo  luận, các đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang đã tập trung cho ý kiến việc xem xét bổ sung chức danh phó trưởng ấp và khu phố vào các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, để được hưởng chính sách hỗ trợ tại tờ trình của UBND tỉnh; những khó khăn, bất cập và biện pháp tháo gỡ trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là vấn đề nâng chất tiêu chí, xây dựng các tiêu chí tổ chức sản xuất, an ninh trật tự, môi trường…

20191205080659_IMG_3089

Ông Nguyễn Văn Danh – Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Minh Trung

Ông Nguyễn Văn Danh – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang nêu quan điểm về việc bổ sung chức danh phó trưởng ấp và khu phố vào các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là rất cần thiết, nhất là ấp khu phố có từ 350 hộ dân trở lên và ấp khu phố thuộc trọng điểm về an ninh trật tự.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 1025 ấp khu phố và ấp khu phố có từ 350 hộ dân đến 500 hộ dân chiếm tỷ lệ lớn. Đa số các đại biểu đã phân tích những nội dung của dự thảo Nghị Quyết hoàn toàn phù hợp và thảo luận về mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc ở ấp khu phố.

Bên cạnh đó, trong phiên thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh  Tiền Giang đã chất vấn lãnh đạo các sở ngành về các nội dung như: Nguyên nhân chậm hỗ trợ cho người chăn nuôi heo bị thiệt hại bởi dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi; giải pháp hướng dẫn người dân thực hiện tái đàn; về vấn đề chất lượng nước sinh hoạt và giải pháp bảo đảm 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh có nước sạch sử dụng; về tiến độ xây dựng, mở rộng cơ sở cai nghiện của tỉnh quá chậm.

Giải đáp nguyên nhân chậm hỗ trợ cho người chăn nuôi heo bị thiệt hại bởi dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi,  ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Theo quy định việc thực hiện hồ sơ hỗ trợ mất khá nhiều thời gian, nên đến nay mới có 3.222 hộ chăn nuôi nhận được tiền hỗ trợ là 168,4 tỷ đồng, đạt 51,53% so với tổng số hộ được xem xét hỗ trợ. Để thúc đẩy công tác hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi trong  thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ đối với các hộ còn lại.

20191205095112_IMG_3161

20191205102453_IMG_3180

Lãnh đạo các Sở, ngành trả lời những chất vấn của đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Minh Trung

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu về vấn đề nâng chất lượng nước sinh hoạt và lộ trình thực hiện để 100% hộ dân nông thôn có nước sạch sử dụng, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp để thực hiện trong giai đoạn 2019 đến sau năm 2020 trong đó có giải pháp tới các vùng nông thôn, vùng sâu nơi người dân chưa sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ, nhằm nâng chất lượng trạm cấp nước 149 trạm có chất lượng nước không đạt chuẩn theo quy định với kinh phí khoảng 20,2 tỷ. Đối với 43 trạm cấp nước bị nhiễm asen, sẽ tiến hành khoan giếng mới thay thế giếng cũ 36 trạm; Đầu tư hệ thống xử lý 03 trạm; Thực hiện các giải pháp lắng lọc: 04 trạm. Đối với 25 trạm cấp nước bị nhiễm chỉ tiêu sắt: Tiến hành khoan giếng mới thay thế giếng cũ 02 trạm;  Đầu tư mới, sửa chữa nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý 10 trạm; Thực hiện vệ sinh, xúc rửa hệ thống xử lý sẵn có theo định kỳ 13 trạm.Đối với 28 trạm cấp nước bị nhiễm mặn: Khoan giếng mới thay thế giếng bị nhiễm mặn và vệ sinh súc rửa đường ống 09 trạm ở các huyện phía Tây; Đối với 19 trạm trên địa bàn các huyện phía Đông vừa bị nhiễm sắt, vừa bị nhiễm mặn: thực hiện đấu nối trạm cấp nước vào nguồn nước nhà máy nước Đồng Tâm.  Đối với 53 trạm nhiễm độ đục vi sinh tiến hành súc rửa đường ống, vệ sinh xung quanh nguồn cấp…

Ngoài ra, đại biểu cũng được nghe Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo, Công an Tiền Giang, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch và Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang… giải trình về thực trạng và giải pháp khắc phục thời gian tới liên quan đến tình hình thiếu giáo viên mầm non, những tồn tại trong hoạt động của tổ nhân dân tự quản trong phòng chống tội phạm, hoạt động của trung tâm văn hoá thể thao cấp xã chưa phát huy hết công năng, vì sao yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà nước khi xét chuyển từ viên chức và công chức.

Theo chương trình làm việc, ngày 06-12, kỳ họp lần thứ 11 HĐND tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm việc với nội dung UBND tỉnh và các sở ngành chức năng trả lời chất vấn về những vấn đề đại biểu và cử tri của tỉnh quan tâm và Chủ tịch UBND tỉnh giải trình làm rõ thêm những vấn đề đại biểu đặt ra tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh và bế mạc kỳ họp.

                                                                       Lê Thanh Liêm