Bão số 6 giật cấp 15 hướng vào các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa

(THTG) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ ngày 08/11, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 250 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Bao so 6

Dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão số 6 – Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 170 km về phía Bắc Tây Bắc, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, tiếp đó là một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Bắc Cam Pu Chia.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 15. Sóng biển cao từ 7-8m; biển động dữ dội. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 6 chịu tác động của nhiều hình thế chi phối, di chuyển dị thường, rất phức tạp. Các dự báo từ các trung tâm quốc tế khá thống nhất về hướng di chuyển nhưng khi đổ bộ có sự chênh lệch và phân tán về thời gian. Nhật Bản dự báo mạnh nhất cấp 12, đổ bộ chiều tối 10-11 với cường độ cấp 9. Hồng Kông mạnh nhất cấp 12, đổ bộ đêm 10-11 với cường độ cấp 10. Trung Quốc dự báo mạnh nhất cấp 12, đổ bộ sáng 11-11 với cường độ cấp 8-9. Mỹ dự báo mạnh nhất cấp 12, đổ bộ sáng 11-11 với cường độ cấp 9.

“Khi bão đổ bộ sẽ gây sóng cao 7-8 m ở ngoài khơi, ven bờ 4-6 m, nước biển dâng kết hợp triều cường 2-3 m. Đối với khu vực trung tâm Bình Định – Phú Yên (dự kiến bão đổ bộ) sóng cao đạt 5-6 m, sâu trong cảng Quy Nhơn sóng 3-4 m, Phú Yên 4-5 m. Với tác động sóng cao kết hợp gió mạnh nguy cơ tác động đến khu neo đậu tàu thuyền, bến cảng, đê kè biển. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh nên gây ra mưa to đến rất to từ chiều ngày 9-11 đến 12-11 với tổng lượng mưa 200-400 mm, tập trung tại khu vực Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây Nguyên” – ông Khiêm nhận định.

Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia