Hội thảo liên kết phát triển du lịch Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và  thành phố Hồ Chí Minh

(THTG) Nằm trong khuôn khổ các hoạt động lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo “Liên kết phát triển du lịch  tiểu vùng Đồng Tháp Mười với thành phố Hồ Chí Minh”.

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười có diện tích khoảng 700.000 hecta, trong đó 36% thuộc tỉnh Đồng Tháp, 45% thuộc tỉnh Long An và 19% thuộc tỉnh Tiền Giang. Những năm gần đây, các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã và đang đẩy mạnh khai thác du lịch, chủ yếu từ du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham quan.

vlcsnap-2017-12-02-09h52m57s236 vlcsnap-2017-12-02-09h56m49s931 vlcsnap-2017-12-02-09h56m31s749

Quang cảnh hội thảo liên kết phát triển du lịch. Ảnh: Phi Phụng

Nhận thức được sự liên kết phát triển là tất yếu, khách quan trong điều kiện hội nhập, đồng thời sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn, trong khi ngân sách Trung ương và nguồn lực địa phương còn hạn chế, các địa phương thuộc Tiểu vùng Đồng Tháp Mười thống nhất liên kết cùng phát triển, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, đồng thời phát huy thế mạnh của từng tỉnh trong mối liên kết với thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự buổi hội thảo các đại biểu đánh giá tiềm năng du lịch của Tiểu vùng Đồng Tháp Mười là rất lớn, tuy nhiên hiện nay sự kết nối giữa  các vùng với thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế, do đó cần có những giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch to lớn này.

vlcsnap-2017-12-02-09h58m24s795 vlcsnap-2017-12-02-09h57m53s180

Đại biểu tham dự hội thảo đánh giá, góp ý kiến để nâng tầm và phát triển du lịch khu vực Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và  thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phi Phụng

Trong thời gian qua, 3 tỉnh thuộc Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với phương châm “3 địa phương một điểm đến”, nhằm mục tiêu đưa vào khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của từng tỉnh như: Khu du lịch sinh thái Tân Lập, Láng Sen của tỉnh Long An; Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, khu di tích chiến thắng Ấp Bắc của tỉnh Tiền Giang; Vườn Quốc gia Tràm Chim, di tích Gò Tháp, Xẻo Quýt, Gáo Giồng của tỉnh Đồng Tháp… tạo thành các tuor du lịch: sinh thái – văn hóa, sinh thái – tâm linh, sinh thái – nguyên cứu khoa học,  du lịch cộng đồng, du lịch trãi nghiệm ẩm thực…

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, khu du lịch cù lao Thới Sơn  của Tiền Giang và khu du lịch Tràm Chim – Láng sen của Long An là 2/5 khu du lịch quốc gia của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, với việc liên kết phát triển du lịch  tiểu vùng Đồng Tháp Mười với thành phố Hồ Chí Minh sẽ là động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển du lịch tiểu vùng trong tương lai, tạo điều kiện để du lịch phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Công Luận