ĐBSCL: Chuyển đổi 78.375 ha đất lúa sang trồng màu, cây ăn trái

Ngày 27-9, tại Đồng Tháp diễn ra hội nghị sơ kết 3 năm tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL gắn với xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Ảnh 1: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (bìa trái) nghiên cứu sản phẩm nông nghiệp hiệu quả của Đồng Tháp từ việc tái cơ cấu

Theo Bộ NN-PTNT sau 3 năm thực hiện, đến nay đã có 13/13 tỉnh thành vùng ĐBSCL phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong 3 năm qua, toàn vùng ĐBSCL đã chuyển đổi 78.375ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái… nhiều diện tích chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 20-30%; riêng mô hình trồng bắp ở An Giang và Đồng Tháp có lợi nhuận cao gấp 1,8 lần so trồng lúa. Từ việc tái cơ cấu mà mô hình cánh đồng lớn được mở rộng, riêng vụ đông xuân 2015-2016 các tỉnh sản xuất hơn 130.332ha lúa theo cánh đồng lớn. Việc cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh, với khoảng 96% diện tích đất làm bằng máy; trong đó Long An và An Giang tỷ lệ cơ giới hóa thu hoạch lúa đạt 98%, Vĩnh Long đạt 97%, Kiên Giang 95%… nhờ đó mà tổn thất sau thu hoạch giảm từ 6% trước đây giảm xuống còn 2%. Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp chỉ mới là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, phát triển nông nghiệp chưa vững chắc, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, chi phí sản xuất nông nghiệp còn cao, thiếu tính cạnh tranh, đời sống của nông dân vùng sâu còn khó…

Ảnh 2: Quang cảnh hội nghị

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh ĐBSCL thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua với những mô hình làm ăn hiệu quả; trong đó Đồng Tháp giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp từ 70% vào năm 2011 xuống còn 52,5% năm 2015, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận 10 triệu đồng/ha/năm… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức, cụ thể là 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng âm. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ. Phó Thủ tướng lưu ý: Chính phủ xác định tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, phải thay đổi phương thức sản xuất phù hợp với tình hình mới; trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác; đồng thời tăng cường liên kết và có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Việc tái cơ cấu nông nghiệp tới đây cần gắn với xây dựng nông thôn mới, chú ý ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…

Nguồn SGGP