9 ngân hàng Việt Nam được xếp hạng A

         Có 9 ngân hàng thuộc hạng A, 9 ngân hàng hạng B, 11 ngân hàng hạng C và có 3 ngân hàng hạng D.

Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (CRV) công bố, 32 ngân hàng thương mại Việt Nam được đánh giá, xếp hạng trên phân định 9 ngân hàng thuộc hạng A, 9 ngân hàng thuộc hạng B, 11 ngân hàng thuộc hạng C và có 3 ngân hàng thuộc hạng D.

Tiêu chí để đánh giá xếp loại: Nhóm A (hạng cao nhất) là các ngân hàng có năng lực cạnh tranh cao, là các tổ chức với sức mạnh thị trường lớn, năng lực tài chính ổn định, hoạt động kinh doanh hiệu quả và tiềm năng phát triển dài hạn.

Nhóm B là các ngân hàng có khả năng cạnh tranh khá, là các ngân hàng có sức mạnh thị trường tốt, có năng lực tài chính hợp lý và hoạt động kinh doanh ổn định với tiềm năng phát triển tốt.

Nhóm C là các ngân hàng có năng lực cạnh tranh trung bình, có sức mạnh thị trường hạn chế nhưng đem lại giá trị cho ngân hàng. Ngân hàng có năng lực tài chính chấp nhận được và hoạt động kinh doanh ổn định, hoặc có năng lực tài chính tốt với hoạt động kinh doanh kém ổn định hơn.

Nhóm D là các ngân hàng có năng lực cạnh tranh hạn chế. Những ngân hàng này thường bị hạn chế bởi một hoặc nhiều hơn những yếu tố sau: mạng lưới kinh doanh yếu, sức mạnh thị trường yếu; năng lực tài chính chấp nhận được; và hoạt động kinh doanh kém ổn định.

Ngoài ra, còn một số ngân hàng “sót” lại như ngân hàng NN&PTNT (Agribank), Tiền Phong (TienPhongBank), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Đại Tín (TrustBank), Dầu khí Toàn câu (GP Bank), Sài Gòn (SCB) không được sắp xếp do thiếu thông tin cần thiết để tiến hành đánh giá.

Bảng xếp hạng 32 ngân hàng thương mại Việt Nam tiêu biểu:

Nhóm A gồm: ACB, BIDV, DongA Bank, Eximbank, MB, Sacombank, Techcombank, Vietcombank và VietinBank.

Nhóm B gồm: Bac A Bank, HDBank, Maritime Bank, OCB, Saigonbank, Southern Bank, PG Bank, VIB và VietABank.

Nhóm C gồm: ABBank, Baoviet Bank, DaiABank, Habubank (vừa sáp nhập vào SHB), Kienlong Bank, MHB, NamABank, Navibank, OceanBank, SHB, VPBank.

Nhóm D gồm: MDB, VietBank và Wesrtern Bank.

Theo Ban tổ chức công bố báo cáo, số liệu sử dụng để nghiên cứu và phân tích có từ báo cáo thường niên, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và báo cáo hoạt động tại đại hội đồng cổ đông. Đây cũng là kết quả đánh giá của một hội đồng gồm nhiều thành viên uy tín, dựa trên ba yếu tố chính là sức mạnh thị trường, hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính.

2012 là năm thứ ba liên tiếp công bố Chỉ số tín nhiệm Việt Nam. Lần đầu tiên, Báo cáo chỉ số tín nhiệm trình bày thực trạng tổ chức hoạt động, quản lý rủi ro và phân tích nguyên nhân các bất cập trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của hệ thống ngân hàng; đánh giá độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt, đánh giá riêng cho từng nhóm định chế ngân hàng. 

Báo cáo 2012 cũng đồng thời xếp hạng tín nhiệm 596 doanh nghiệp đang niêm yết tại thị trường chứng khoán, công bố kết quả nghiên cứu về dự báo lạm phát và phân tích nguyên nhân gây ra lạm phát ở Việt Nam thời gian qua./.