Thị trường Tết Bính Thân 2016: Sức mua đang tăng, giá cả ổn định

Đúng như dự báo của giới kinh doanh, sức mua dồn vào tuần cuối cùng của mùa kinh doanh tết, khiến thị trường bừng tỉnh. Tại các chợ, siêu thị sức mua hiện đã tăng 4 -5 lần so với ngày thường. Tại nhiều siêu thị đã và đang thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá rất sâu ở tất cả các mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.

Tất bật mua sắm hàng tết

Sau ngày 23 tháng Chạp – ngày tiễn ông Táo về trời, sức mua trên thị trường đã tăng lên, khiến cho giới kinh doanh thở phào, nhẹ nhõm. Không khí tết tràn ngập các chợ, hàng hóa được trưng bày nhiều và đẹp mắt. Chiều 4-2, tại chợ Bến Thành, chị Bích Nga (ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) “tay xách, nách mang” khá nhiều mặt hàng cho biết, hôm nay cơ quan mới chính thức nghỉ tết nên chị ghé chợ mua sắm hàng tết. Tại các chợ Phạm Văn Hai, Văn Thánh, chợ Bà Hoa… cũng bày bán các loại lạt, lá dong, lá chuối để đáp ứng nhu cầu gói bánh chưng, bánh tét của người dân.

Ở các hệ thống siêu thị, lượng khách đến mua sắm gấp 4-5 lần so với ngày thường, tăng bình quân 10% – 25% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Các siêu thị ở TP đã bố trí thêm các quầy tính tiền và tăng cường nhân viên để phục vụ khách hàng đến mua sắm trong những ngày cao điểm tết. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết, mặt hàng được chọn mua nhiều nhất vẫn là thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, mứt, trà, nước giải khát, thực phẩm, quần áo,…

Người dân mua sắm tết tại chợ, chiều 5-2       Ảnh: CAO THĂNG

Theo Co.opmart, nguyên nhân chính khiến sức mua tăng mạnh, chính là nhờ các siêu thị đã bước vào cuộc đua khuyến mãi, giảm giá sâu và sớm hơn mọi năm. Đặc biệt, trong 5 ngày trước tết, hệ thống siêu thị này đã thực hiện khuyến mãi đối với tất cả các mặt hàng thiết yếu như bánh mứt, nước giải khát, quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình, hàng điện máy với mức giảm ít nhất là 5% đến 49%.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, hầu hết các siêu thị đã thiết kế quầy bán bánh mứt, hạt sấy theo dạng cân ký. Tuy nhiên, các loại mứt tết đóng hộp hoặc đóng khay vẫn được khách hàng chọn mua nhiều vì có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Giám đốc một siêu thị cho biết, chọn lựa sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu của khách hàng. Đây cũng là lý do khiến cho các mặt hàng bánh kẹo tết sản xuất trong nước năm nay hút khách hơn so với những năm trước bởi chất lượng tốt và giá bán thấp hơn so với hàng ngoại nhập.

Nguồn cung hàng hóa rất dồi dào

Tính đến ngày 4-2, tức ngày 26 tết, lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối tăng 70% so với ngày thường, đạt mức tăng 100% trong đêm 27 và 28 tết. Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho hay, từ ngày 1 đến ngày 24 tháng Chạp, lượng hàng về chợ đạt gần 70.000 tấn/ngày đêm, tăng 14% so với ngày bình thường năm 2015. Tính chung, lượng hàng nhập chợ trong 5 ngày trước tết dự báo ước đạt 16.000 tấn, bình quân đạt hơn 3.200 tấn/ngày đêm, tăng 25% so với bình quân ngày thường năm 2015. Riêng mặt hàng thịt heo, trong ngày 28 và 29 tết, lượng hàng về sẽ đạt mức cao nhất là 800 tấn, tăng khoảng 135% so với ngày bình thường.

Ghi nhận về giá bán lẻ các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm,… vẫn ổn định. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây đặc trưng và hoa tươi, do bước vào thời điểm cận tết, được người dân chọn mua nhiều nên giá bắt đầu tăng. Cụ thể, xoài cát Hòa Lộc có giá 70.000 – 90.000 đồng/kg, mãng cầu tròn 60.000 – 80.000 đồng/kg, bưởi năm roi loại 1 80.000 – 100.000 đồng/kg; bưởi hồng da xanh có cành 90.000 – 110.000 đồng/kg; hoa huệ 60.000 – 80.000 đồng/chục, hoa cúc đại đóa 70.000 – 80.000 đồng/chục… Đối với các mặt hàng bia rượu, nước giải khát, lượng hàng cung ứng ra thị trường dồi dào nên giá cả tương đối ổn định. Mứt các loại có giá 80.000 – 180.000 đồng/kg tùy loại và tùy chất lượng, bia Heineken 365.000 – 385.000 đồng/thùng, bia Tiger 285.000 – 310.000 đồng/thùng, bia 333 220.000 – 230.000 đồng/thùng, Pepsi 155.000 – 180.000 đồng/thùng, Coca-cola 175.000 – 200.000 đồng/thùng…

Các DN bình ổn thị trường có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm và đã ký hợp đồng với trang trại, đảm bảo được lượng cung nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho sản xuất, cung ứng hàng hóa đầy đủ, cam kết giữ ổn định giá từ ngày 8-1 đến 8-3. Các DN phối hợp với các nhà phân phối, tổ chức đồng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu các mặt hàng trong chương trình. Cụ thể, trong 10 ngày trước tết, giá trứng gia cầm giảm từ 1.000-2.000 đồng/chục (trứng gà còn 22.000 đồng/chục, trứng vịt 30.000 đồng/chục); 14 loại thịt heo sẽ giảm từ 8.000-10.000 đồng/kg, thịt đùi heo còn 81.500 đồng/kg, thịt vai và nách còn 75.000 đồng/kg, nạc dăm 91.500 đồng/kg, cốt lết còn 81.500 đồng/kg, chân và bắp giò heo còn 76.500 đồng/kg, ba rọi 85.500 đồng/kg… Các mặt hàng đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5%-10%; rau củ quả, thủy hải sản giảm 15%-20%…

Nhận định về hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2016, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để theo dõi chặt về khả năng cung cầu, giá cả hàng tết. Với sự chuẩn bị chu đáo về hàng tết, giám sát chặt chẽ về thị trường, TPHCM kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, hoặc tăng giá đột biến, đảm bảo cho người dân thành phố có một mùa tết đầm ấm, an toàn và tiết kiệm.

Nguồn SGGP