Hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị cấp cao LHQ

Trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị cấp cao LHQ thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, ngày 27-9, tại Niu Oóc (Mỹ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị Lãnh đạo toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, do Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, với sự tham dự của hơn 70 người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước.

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.  Ảnh: LÊ DƯƠNG (TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.  Ảnh: LÊ DƯƠNG (TTXVN)

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhấn mạnh phụ nữ Việt Nam hiện chiếm 48,4% lực lượng lao động, 24% số đại biểu QH, hơn 25% số chủ doanh nghiệp. Chỉ số bình đẳng giới ở Việt Nam luôn được LHQ xếp hạng cao. Nhà nước Việt Nam luôn coi thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là ưu tiên hàng đầu; và đạt nhiều thành tựu về xây dựng khuôn khổ pháp luật, thể chế và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, cũng như lồng ghép bình đẳng giới vào mọi chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển. Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam cam kết ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết để từ nay đến năm 2030 thu hẹp khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực; cải thiện hơn nữa sự tiếp cận của phụ nữ và trẻ em gái với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, nhất là phụ nữ ở các vùng khó khăn; từng bước xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị Sáng kiến toàn cầu (CGI) năm 2015, do cựu Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn tổ chức, với sự tham dự của hơn 100 nguyên thủ, thủ tướng các nước, 14 nhân vật đoạt giải Nô-ben, hàng trăm lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các quỹ từ thiện và các tổ chức phi chính phủ lớn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có cuộc gặp cựu Tổng thống B.Clin-tơn. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước một lần nữa thay mặt lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cảm ơn về những đóng góp quan trọng của ông Clin-tơn trong việc bình thường hóa và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ 20 năm qua. Chủ tịch nước đánh giá cao những hoạt động hiệu quả của Quỹ Clin-tơn tại Việt Nam, nhất là trong việc chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, sốt rét và các loại bệnh truyền nhiễm. Chủ tịch nước đề nghị ông Clin-tơn và Quỹ tăng cường hỗ trợ các hoạt động nhân đạo, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Cựu Tổng thống Mỹ Clin-tơn cảm ơn về sự quan tâm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà lãnh đạo Việt Nam đối với các hoạt động của Quỹ Clin-tơn; khẳng định sẽ thúc đẩy để Quỹ có thêm các sáng kiến và dự án mới hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, phòng, chống dịch bệnh, cũng như phòng, chống hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

* Bên lề các hoạt động của Hội nghị cấp cao LHQ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Tổng thống Áo H.Phi-sơ. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng, thời gian qua, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Phi-sơ năm 2012, quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Áo tiếp tục phát triển sâu rộng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Áo Phi-sơ nhất trí rằng, hai nước sẽ tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao, đoàn doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu như hàng điện thoại, linh kiện điện tử, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt, may, thiết bị máy móc, dược phẩm, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, giấy, thức ăn gia súc và nguyên liệu. Chủ tịch nước đề nghị Áo khuyến khích, hỗ trợ các công ty Áo tăng cường đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Áo có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, công nghiệp, năng lượng, y tế; tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của LHQ.

Tổng thống Áo H.Phi-sơ đánh giá cao các thành tựu của Việt Nam thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ; tin tưởng Việt Nam tiếp tục thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thống Phi-sơ khẳng định, Áo luôn ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hiệp châu Âu (EU); cụ thể là sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam – EU (PCA) và thúc đẩy EU sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại LHQ và Diễn đàn Á – Âu (ASEM). Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Áo ủng hộ quan điểm, lập trường của ASEAN và Việt Nam; mong muốn đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, nơi có tuyến đường biển huyết mạch nối Đông Á và châu Âu.

* Chủ tịch nước cũng có cuộc gặp Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Chi-lê, luôn trân trọng tình cảm và đóng góp to lớn của Tổng thống Ba-chê-lê thúc đẩy quan hệ hai nước. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những bước phát triển gần đây trong quan hệ hai nước, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chi-lê có hiệu lực (năm 2014), góp phần quan trọng nâng kim ngạch thương mại hai chiều tăng 65% (890 triệu USD) so năm 2013. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ba-chê-lê nhất trí, hai nước cần phối hợp, chuẩn bị tốt các hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (25-3-1971 – 25-3-2016), coi đây là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Việt Nam và Chi-lê cần tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có và thiết lập thêm các cơ chế mới để làm sâu sắc hơn hợp tác song phương. Chính phủ hai nước cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác, kinh doanh.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Nhân dịp này, Chủ tịch nước cảm ơn Chi-lê đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018; đề nghị Chi-lê ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019. Tổng thống Ba-chê-lê khẳng định, Chi-lê luôn ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, mong muốn Việt Nam ủng hộ Chi-lê phát triển quan hệ với ASEAN.

H Nhân dịp dự các hội nghị cấp cao của LHQ tại Niu Oóc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Huân chương Lao động hạng nhì tặng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ. Tại lễ trao Huân chương, Chủ tịch nước nêu rõ, kể từ khi lá cờ Việt Nam tung bay tại trụ sở LHQ năm 1977, gần 40 năm qua, Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, là cơ quan có vai trò hàng đầu trong ngoại giao đa phương Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và nâng cao vị thế đất nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức; là cơ quan đại diện tại địa bàn hội tụ đông nhất các quốc gia trên thế giới, Phái đoàn cần tiếp tục phát huy truyền thống, giữ vững bản lĩnh, nỗ lực tận dụng mọi cơ hội để gia tăng thế và lực cho đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ vinh dự khi Phái đoàn được Chủ tịch nước trao tặng phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ngay tại trụ sở Phái đoàn. Đại sứ hứa sẽ cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Phái đoàn ghi nhớ và triển khai tích cực ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, phấn đấu xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và Nhà nước.

* Trong khuôn khổ các hoạt động của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Niu Oóc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Mình đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Bun-ga-ri, Đan Mạch và Ca-mơ-run, trao đổi và nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước, cũng như tại các tổ chức, diễn đàn đa phương.

Nguồn Nhân dân