Chủ tịch nước chủ trì phiên họp cải cách tư pháp lần thứ 21

Chủ tịch nước giao thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan, các bộ, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu tìm mô hình quản lý ngân sách phù hợp nhất đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn tới.
Chủ tịch nước và thành viên Ban chỉ đạo Cải cách chứng kiến lễ ký phối hợp. Ảnh: VOV

Chiều 16/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 21 thảo luận và tiếp tục cho ý kiến về Đề án “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Toà án nhân dân theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị” và Đề án “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Viện kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Đây là 2 đề án quan trọng đã được Ban chỉ đạo cho ý kiến tại phiên họp thứ 20.

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã báo cáo một số điểm tiếp thu ý kiến của thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp trước.

Ban soạn thảo 2 ngành đã chỉnh lý 5/6 yêu cầu phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước và các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, có một lĩnh vực ban soạn thảo mong được giữ nguyên, trong đó đáng chú ý là mô hình quản lý ngân sách của Tòa án và Kiểm sát là 3 cấp như cũ hay đổi mới quản lý theo mô hình 2 cấp ngân sách và định mức làm cơ sở lập dự toán hằng năm.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo nhấn mạnh, việc xây dựng đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân là cần thiết nhằm tìm ra cơ chế phù hợp, khắc phục những hạn chế, tập trung các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện để ngành Tòa án, Viện Kiểm sát thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Về mô hình quản lý ngân sách, Thường trực Ban chỉ đạo cho rằng thực hiện 2 cấp ngân sách là hợp lý. Dự toán ngân sách của toàn ngành do Chính phủ trình Quốc hội, sau khi được Quốc hội quyết định sẽ chuyển trực tiếp đến kho bạc.

Đơn vị dự toán cấp 1 là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan giám sát, kiểm tra việc sử dụng tại các đơn vị dự toán cấp 2 là cấp huyện, tỉnh theo quy định. Đây là phương án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo đúng tinh thần cải cách tư pháp cũng như hiện đại hóa trong quản lý tài chính và cải cách hành chính…

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá 2 đề án của Tòa án và Viện kiểm sát được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, Ban soạn thảo đã tiếp thu cơ bản ý kiến đóng góp của thành viên Ban chỉ đạo tại phiên họp trước.

Vấn đề tồn tại là còn có ý kiến khác nhau về mô hình quản lý ngân sách, Chủ tịch nước đề nghị phải căn cứ vào tinh thần Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, đồng thời phải rà soát tất cả các quy định pháp luật để làm sao tìm ra mô hình phù hợp không trái quy định pháp luật hiện có hoặc điều chỉnh sửa đổi quá lớn hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước giao thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với các đơn vị liên quan, các bộ, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu tìm mô hình quản lý ngân sách phù hợp nhất đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn tới.

Cũng tại phiên họp thứ 21, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên Ban chỉ đạo đã chứng kiến Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác thông tin tuyên truyền giữa Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương.

Nguồn Chính phủ