Xuân về trên đỉnh Trường Sơn

Khi trên triền đồi, những bông hoa pơ lăng nở trắng xoá, những chồi non xanh biếc hé trên ngọn cây cao và khi công việc nương rẫy đã xong, thóc ngô được phơi khô và chất đầy kho cũng là lúc bà con Cơ Tu rời khỏi căn lều trên rẫy về nhà chuẩn bị đón Tết.
Bà con Cơ Tu ấm no trên vùng đất tái định cư. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam không tổ chức đón Tết Nguyên đán như người Kinh mà có Tết của riêng mình. Tết của người Cơ Tu được tổ chức lớn nhất trong tất cả các lễ hội trong năm bởi đây là dịp người Cơ Tu thể hiện các mối quan hệ anh chị em, bà con, họ hàng trong gia đình và làng xóm, cầu sự may mắn trong năm mới.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, sự giao thoa về văn hóa, người Cơ Tu hầu hết cùng hòa chung đón Tết Nguyên đán với nhiều dân tộc anh em khác trong cả nước, tuy nhiên họ vẫn lưu giữ lại những giá trị văn hóa riêng dân tộc mình.

Tết đến, người Cơ Tu nô nức nấu rượu cần bằng sắn, gia đình nào khấm khá hơn thì nấu bằng nếp than có màu đỏ thắm. Các món truyền thống của người Cơ Tu chủ yếu là thịt khô và các loại bánh làm từ gạo nếp.

Bên bếp lửa reo vui, những người phụ nữ vừa trò chuyện ríu rít vừa làm công việc bếp núc nướng thịt, gói các loại bánh sừng trâu, cơm lam, bánh tổ, xôi; từ đầu làng đến cuối làng được quét dọn sạch sẽ.

Hầu như trên nóc nhà nào cũng treo một lá cờ Tổ quốc và trên bàn thờ là chân dung Bác Hồ mỉm cười hiền hậu nhìn xuống mọi người…

Già làng Blúp Ứ, thôn Rbượp, xã Atiêng, huyện Tây Giang cho biết: Ngày xưa không có điều kiện thì ăn Tết đơn giản, nay có điều kiện thì làm to hơn một chút. Hiện nhiều gia đình đã chuẩn bị một con lợn, vài con gà, con vịt để mời bạn bè, anh em cùng đến vui Tết. Vui nhất là con cháu đi học, đi làm ăn xa về đoàn tụ cùng gia đình.

Trong mấy ngày Tết, bà con không đi làm nương, rẫy, đánh bắt hay làm bất kỳ thứ gì ngoài việc vui chơi, thăm hỏi nhau quanh làng. Đối với trẻ con Cơ Tu, ngày đầu tiên của năm mới là ngày vui nhất. Do cuộc sống vùng cao, vùng sâu còn thiếu thốn nên trẻ con thường chỉ được mặc đồ mới vào ngày Tết.

Dịp Tết, người Cơ Tu thường tổ chức bữa ăn chung tại nhà Gươl (nơi sinh hoạt văn hóa chung). Già trẻ, trai gái tụ tập lại xung quanh nhà Gươl, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới và cùng ăn uống vui vẻ. Trong men rượu cần thơm mùi lúa mới, cả làng cùng nhau múa hát, càng về đêm những điệu hát càng rộn ràng hơn.

Đời sống ấm no trên vùng đất mới

Không còn nằm rải rác, lẩn khuất trong những cánh rừng già, giờ đây, nhiều ngôi làng của đồng bào các dân tộc ít người ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng khang trang.

Trước kia, phần lớn đồng bào Cơ Tu sống rải rác các rìa sườn đồi hoặc bìa rừng, đời sống bấp bênh, điều kiện y tế, giáo dục không được đảm bảo; đường giao thông vào thôn cực kỳ khó khăn gây nhiều trở ngại cho công tác giáo dục cũng như phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân.

Phụ nữ chuẩn bị gạo làm bánh. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Với phương châm “nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ”, điểm chung ở các làng tái định cư nơi vùng cao của huyện Tây Giang là vừa đảm bảo cơ sở hạ tầng, đất ở, đất sản xuất, vừa có không gian để đồng bào Cơ Tu sinh hoạt bảo tồn bản sắc văn hóa nên người Cơ Tu rất đồng thuận.

Trên ngọn đồi vừa mới được san ủi, thôn Dầm, xã Tr’Hy, Tây Giang là một trong những thôn được tái định cư được rừng già che chắn có gần 50 nóc nhà sống theo kiểu quần tụ, đầm ấm, sinh sống vui vẻ bên nhau.

Để có nơi ở mới khang trang, sạch đẹp, có nhà Gươl sinh hoạt văn hóa như thế này, ngoài nguồn hỗ trợ từ Chương trình 30a của Chính phủ. Các hộ đồng bào Cơ Tu nơi đây đã đồng lòng hy sinh quyền lợi của mình để cùng với Nhà nước san ủi mặt bằng, dựng nhà, lập vườn.

Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Những năm gần đây, huyện Tây Giang đã hoàn thành tái định cư tập trung ở 61/70 thôn, với hàng nghìn hộ đồng bào Cơ Tu dọn về nơi ở mới, cuộc sống ổn định hơn.

Tại các thôn tái định cư đều có các công trình phục vụ dân sinh như hệ thống điện thắp sáng, đường bê tông, nước sinh hoạt đầy đủ, có trường học, trạm y tế và có nhà Gươl sinh hoạt văn hóa ở trung tâm làng, những ngôi nhà vững chắc kiên cố mang đến cho đồng bào một cuộc sống mới tốt hơn.

Mùa xuân đến, không khí tại khu tái định cư nhộn nhịp và vui tươi. Từng chuyến xe chở những phần quà, gạo hỗ trợ Tết cho đồng bào liên tục đến nơi này.

Vùng cao Quảng Nam có một mùa xuân càng thêm ấm ấp hơn bởi sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào.

Nguồn VGP News