Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2

Mưa lớn do hoàn lưu sau bão số 2 đã gây ngập lụt nhiều khu vực dân cư, sạt lở một số tuyến giao thông tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên…). Chính quyền tại các địa phương này đã huy động tối đa lực lượng, triển khai mọi phương án đảm bảo tính mạng, tại sản cho nhân dân, tiếp cận những khu vực bị chia cắt trong thời gian sớm nhất.

Tại Lạng Sơn, với lượng mưa liên tục trong mấy ngày qua tại nhiều nơi lên đến 200 mm cùng lũ tại các sông dâng cao đã làm thành phố Lạng Sơn cùng một số huyện ngập trong nước.

 

Di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

VOV cho biết từ các con đường trong thành phố, tới những khu dân cư, chợ Đông Kinh, cửa khẩu Tân Thanh đều bị ngập trong nước. Đặc biệt hiện tại vẫn còn 11 xã khu vực biên giới đang bị cô lập do đường giao thông bị ngập, lụt. Nhiều biện pháp hỗ trợ người dân đã được triển khai như: Vận động người dân sơ tán ra khỏi những khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở hoặc xảy ra lũ quét; thành lập các đoàn cứu hộ, cứu nạn tiếp cận những xã, khu vực bị cô lập; đặc biệt cấm người dân qua lại ở những tuyến đường không an toàn, bị sạt lở, bến sông, bến phà.

Còn tại tỉnh Điện Biên, TTXVN dẫn nguồn tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết do mưa lớn từ ngày 19/7, nhiều hộ dân ở huyện Mường Chà phải di dời khỏi vùng có nguy cơ cao.

Tại huyện Điện Biên, nước lũ đã ngập hết toàn bộ bản Pá Xa (xã Nà Bủng), bản Huổi Dạo (xã Vàng Đán), địa phương phải di rời toàn bộ các hộ này về nơi an toàn. Tại huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng, nước lũ đã gây ngập trên diện rộng nhưng chưa có thống kê cụ thể thiệt hại.

Đáng chú ý, Quốc lộ 12 đoạn từ TP Điện Biên Phủ tới thị trấn Mường Chà có tới hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ. Nhiều vị trí đất đá và cây cối lấp hoàn toàn mặt đường cao từ 1- 3m. Nghiêm trọng nhất là tại km 145 +400, lũ đã cuốn trôi cả đoạn đường dài khoảng 20m, biến đoạn đường này thành dòng suối chảy xiết, lòng suối sâu tới trên 3 – 4 m so với mặt đường cũ.

Tuyến Quốc lộ 279 chạy qua địa phận 2 huyện này có hàng chục điểm sạt lở nhỏ, 4 điểm tắc hoàn toàn tại km 16+300, km 28, km 42 và km 43+900, hiện mới thông được 2 điểm.

Bên cạnh đó, hàng chục hộ dân đã được chính quyền địa phương phối hợp với Bộ đội biên phòng di chuyển người và tài sản, nhà cửa ở khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở xuống lòng sông về nơi an toàn.

Hiện tỉnh Điện Biên đang tiếp tục có mưa lớn. Nhiều khu vực vẫn bị nước lũ gây tắc đường, cô lập nên chính quyền các địa phương chưa thể thống kê hết thiệt hại.

Với địa hình dốc, mưa lớn đã gây sạt lở đất đá nhiều điểm, đặc biệt là trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo thống kê ngày 20/7 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lũ bão địa phương này, trên tuyến Quốc lộ 279, tại km 158+960, thuộc địa phận huyện Than Uyên, hàng trăm mét khối đất đá từ taluy dương sạt xuống đường gây cản trở, ách tắc giao thông. Trên tuyến Quốc lộ 12-đường từ Lai Châu đi Điện Biên, tại Km55 giao thông bị cản trở do bùn đất từ taluy dương tràn xuống đường. Tỉnh lộ 129 tại Km 40+600 bị sạt lở chưa xác định được khối lượng.

Hiện tại mực nước trên các sông suối trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn đang ở mức bình thường, dao động nhỏ. Các hồ chứa nước vẫn trong điều kiện ổn định.

Mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những ngày qua đã làm một số nhà dân bị sập đổ, Quốc lộ 32 bị ách tắc do sạt lở, hàng chục ha lúa và cây hoa màu khác bị phá huỷ… Đáng lưu ý là do có sự chủ động phòng chống bão lũ nên đã giảm thiểu được thiệt hại thiên tai gây lên.

 

Mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến giao thông ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: vov.vn

TTXVN dẫn lời ông Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, đêm 19, rạng sáng 20/7, trên địa bàn huyện Bắc Mê đã xảy ra mưa lớn gây sạt lở đất và ngập úng.

Mưa lớn đã làm sạt lở khối lượng lớn đất đá ở tuyến đường liên thôn Nà Nhùng – Nà Nôm 1 thuộc xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, khiến giao thông ách tắc; ngập úng hàng chục ha lúa mùa đang trong thời kỳ sinh trưởng của xã Minh Ngọc. Do mưa lớn kéo dài, nơi ở của một số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Yên Cường có nguy cơ bị sạt lở. UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng xung kích sẵn sàng trực tại một số hộ dân có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng sơ tán khi cần thiết.

Hiện UBND huyện Bắc Mê và thành phố Hà Giang đang khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục sạt lở các tuyến đường giao thông. Đối với các khu vực bị ngập úng cục bộ, các địa phương đang khẩn trương tu sửa, nạo vét, cải tạo hệ thống thoát nước.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 nên các khu vực trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có mưa vừa, mưa to, một số địa phương xảy ra lốc cục bộ.

Mưa lũ xảy ra trên tất cả các huyện, thị xã với cường độ lớn dẫn đến thiệt hại nhiều về nhà cửa, hoa màu và các tuyến giao thông. Toàn tỉnh có 1 người chết, 1 người bị thương, 36 nhà dân bị hư hại do sạt lở đất và ngập lụt, bị tốc mái.

Các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó Quốc lộ 3B bị sạt lở taluy dương với khối lượng lến đến gần 800 m3, gây tắc đường. Có 11 tuyến tỉnh lộ bị sạt lở taluy dương và taluy âm, như đường tỉnh 257 bị sạt lở nhiều điểm, tổng khối lượng đất sạt lở khoảng gần 10.000 m3, đường tỉnh 255 khoảng 5.000 m3, đường tỉnh 254 khoảng 1.200 m3…

Các địa phương đã chỉ đạo những hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ ngập úng di dời người già, trẻ em tới nơi an toàn, kê kích tài sản lên cao tránh ngập nước; di dời được 75 hộ dân tới vị trí an toàn.

Nguồn Chính phủ