Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá tra tăng, người nuôi vẫn lo

Mấy ngày qua, giá cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trở lại, có chiều hướng thuận lợi cho người nuôi. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, thời gian tới, ngành cá tra còn nhiều khó khăn và thiếu tính bền vững.

Người tiếc, người mừng
Ngày 20.3, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL đã thu mua cá tra nguyên liệu với giá từ 24.000 – 25.000 đồng/kg.Sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể lời từ 1.500-2.500đồng/kg.

Với mức giá này, người dân các địa phương Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long,…vừa tiếc, vừa mừng. Sáng 21.3, ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ), cho biết: “Hiện chúng tôi có 10 ao thả cá tra với diện tích 10ha, khoảng hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch nên không biết giá cả sẽ như thế nào. Nếu ở mức giá 25.000 đồng/kg như hiện nay thì chúng tôi có lãi từ 2.000-2.500 đồng/kg”.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở TP. Cần Thơ.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở TP. Cần Thơ.

Ông Trương Ngọc Ẩn, ngụ ở ấp Sơn Phú 2A (xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), trao đổi với chúng tôi: “Tôi rất tiếc vì trước tết tôi bán 74 tấn cá với giá 21.500 đồng/kg, trong khi hiện nay là 24.000 đồng/kg. Nếu tính theo số tiền bán ra bây giờ thì tôi lỗ rất nhiều. Do nhiều năm thua lỗ nên tôi chỉ còn thả nuôi trên diện tích rất ít với khoảng 40 tấn cá. Lượng cá này đến 2 tháng nữa mới thu hoạch nên tôi rất lo lắng về giá cả”.

Còn ông Sáu Hò, ngụ ở xã Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cũng chia sẻ: “Tôi vừa bán khoảng 300 tấn cá với giá 24.000 đồng/kg, tôi tiếc vì sau khi bán vài ngày thì giá tăng lên 24.500 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá bán vừa rồi, tôi đã có lời và có nguồn vốn để đầu tư cho vụ nuôi mới…”.

Thị trường còn nhiều rủi ro

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây giá cá tăng lên nên phong trào nuôi cá ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có sự phục hồi trở lại. Hiện giá cá giống là 600 đồng/con, tăng gấp đôi so với thời điểm trước tết. Theo đó, các loại thức ăn, giá nhân công, đất thuê cũng dần tăng lên.

Theo ông Hải, vài năm qua đã có sự sàng lọc ở người nuôi nhỏ lẻ và các doanh nghiệp. Bây giờ chỉ những doanh nghiệp có vốn đầu tư vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân nuôi cá mới tồn tại. Việc phát triển nhanh chóng diện tích, người nuôi bây giờ không còn nữa và thay vào đó là sự do dự, tính toán trước sự biến động của thị trường.

Ông Trần Văn Hài – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến (TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Những tháng đầu năm 2014, tình hình xuất khẩu cá tra có dấu hiệu khả quan do giá cá nguyên liệu tăng khoảng 10% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nỗi lo, bởi việc tăng giá là do nguyên liệu có dấu hiệu khan hiếm chứ không phải do giá xuất khẩu tăng”.

Cũng theo ông Hài, hiện doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn, bấp bênh, còn rất nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa. Năm 2014, khó khăn lớn nhất của ngành cá là cung cầu không ổn định, chất lượng con giống giảm, giá thức ăn, thuốc… cho cá tăng.

Nguồn Dân Việt