Bài học về công tác xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã kết thúc với hai bản án tử hình dành cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Đây cũng là bài học đắt giá  trong công tác xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ.

Bị cáo Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.
(Ảnh: TTXVN)

Chiều 16/12, Hội đồng xét xử đã tuyên án, trong đó xác định:

Trong thời gian từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP – Singapore, Dương Chí Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị) đã cùng với Mai Văn Phúc (Tổng Giám đốc) và các đồng phạm không thực hiện theo quy định của Nhà nước, làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 367 tỷ đồng.

Thông qua việc mua ụ nổi 83M trái quy định của Nhà nước, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cùng hai đồng phạm khác đã tham ô 1,666 triệu USD ( hơn 28 tỷ đồng). Trong đó, bị cáo Dũng tham ô 10 tỷ đồng; bị cáo Phúc tham ô 10 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Dương Chí Dũng với vai trò là Chủ tịch HĐQT Vinalines được xác định là chủ mưu, ký quyết định phê duyệt đầu tư Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam khi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông Vận tải bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, chỉ đạo mua ụ nổi 83M gây thiệt hại gần 367 tỷ đồng, chỉ đạo tham ô 1,666 triệu USD, riêng bị cáo chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Ở đây, trước tiên phải nói đến trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế thì Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và các đồng phạm cũng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng với số tiền gần 367 tỷ đồng. Và thiệt hại thực tế từ việc mua ụ thời điểm hiện tại đã là hơn 500 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử cũng nhận định: Bản thân Dương Chí Dũng và các bị cáo khác đã từng là đảng viên, nhưng đã tha hoá biến chất, trong đó có 4 bị cáo tham ô tài sản. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có vai trò ngang nhau trong việc tham ô, nhưng không thừa nhận hành vi cho nên không khắc phục hậu quả. Riêng bị cáo Dương Chí Dũng còn bỏ trốn, thể hiện ý thức trốn tránh trách nhiệm, cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất trong khung hình phạt mới có sức răn đe.

Với mức án tử hình dành cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và các mức án từ 4-22 năm tù dành cho các bị cáo khác trong vụ án này đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Quyết định này cũng nhận được sự đồng tình của dư luận, đồng thời bước đầu đã phản ánh quyết tâm chính trị được thể chế hóa từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Tuy nhiên, dư luận cũng không khỏi băn khoăn về việc quản lý, giám sát cán bộ khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Và đáng lưu ý, trước đó, Dương Chí Dũng lại được cất nhắc lên vị trí cao hơn là Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam. Đó là điều rất đáng suy nghĩ!
Vấn đề đặt ra ở đây là nếu như các cấp, ngành thực hiện với tinh thần quyết tâm, kịp thời, có trách nhiệm cao thì chắc chắn sẽ ngăn ngừa và hạn chế được những tổn thất về cán bộ và thất thoát, lãng phí lớn về tài sản của nhà nước như thời gian qua.

Vì vậy, điều quan trọng là từ vụ án này cũng cần phải rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ trong thời gian tới.

Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được tầm quan trọng và tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong tư tưởng, chính trị, đạo đức và phòng chống tham nhũng. Đối với mỗi tổ chức Đảng, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, mà đặc biệt là công tác quản lý chặt chẽ cả về tư tưởng, hành vi, hành động; đồng thời phải thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống “giặc” tham nhũng. Tuy nhiên, có thể thấy hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhìn chung còn hạn chế. Thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa diễn ra, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn; việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra.

Báo cáo thẩm tra mới đây của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ năm 2013 cho thấy, việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhất là về mặt tổ chức nhân sự.

Việc xử xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn lúng túng, có biểu hiện không nghiêm minh mặc dù số lượng các vụ án tham nhũng năm nay được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản; số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương còn nể nang trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Đã đến lúc các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng có biện pháp khắc phục yếu kém trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng; tập trung các giải pháp quyết liệt và nghiêm khắc để phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng lớn.

Mặt khác, báo chí với vai trò là cầu nối với độc giả, cần đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng; đi đôi với đó là việc biểu dương, vinh danh và khen thưởng thích đáng, những cá nhân, tập thể có thành tích phát hiện, tố giác những hành vi tham nhũng để huy động toàn xã hội tham gia công tác này./.

Nguồn ĐCSVN