Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho công việc chung của ASEAN

        Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 28/7/1995. Sau 18 năm tham gia hợp tác ASEAN, với phương châm: Chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và toàn diện vào quá trình hợp tác ASEAN và đóng góp tích cực cho công việc chung của Hiệp hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN.

 

Việt Nam đã cử Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh
đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013 – 2017 
 

 

Tiếp tục phương châm “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong tham gia hợp tác ASEAN, trong năm 2013, Việt Nam đã tham gia tích cực trong tất cả các hoạt động của ASEAN, nhất là tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 22 (tháng 4/2013), các Hội nghị tại AMM 46/PMCS/ARF 20 (tháng 7/2013) cũng như các Hội nghị quan chức cao cấp thuộc ba trụ cột; đã được các nước ASEAN và các nước đối tác coi trọng và đánh giá cao.

Việt Nam tích cực thúc đẩy thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các trọng tâm ưu tiên của ASEAN: Thúc đẩy triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; tăng cường liên kết và kết nối ASEAN cũng như kết nối khu vực; thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều; tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác; tăng cường phối hợp lập trường xử lý các thách thức của khu vực và toàn cầu, củng cố và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Việt Nam đã trực tiếp tham gia và đóng góp quan trọng trong việc xác định phương hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN; tích cực tham gia xây dựng các Văn kiện Hội nghị như: Tuyên bố Chủ tịch Cấp cao 22, Thông cáo chung AMM 46, Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị dịp AMM 46/PMCS/ARF20, trong đó xác định định hướng ưu tiên của Hiệp hội trong năm 2013, cũng như từ nay đến năm 2015; đồng thời, xác định các nguyên tắc cho việc xây dựng định hướng phát triển của ASEAN giai đoạn sau 2015.

Trong năm 2013, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu vực và trong thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Trong bối cảnh ASEAN chịu nhiều tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến đoàn kết, uy tín và vai trò trung tâm của Hiệp hội, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN luôn kiên trì thúc đẩy đoàn kết và giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, nhất là nguyên tắc tham vấn và đồng thuận. Việt Nam đã xử lý khéo léo các vấn đề nhạy cảm, phức tạp cũng như nỗ lực cùng các nước thành viên khác giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc trên tinh thần Hiến chương ASEAN và vì lợi ích chung của Hiệp hội; qua đó, góp phần duy trì đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và uy tín của Hiệp hội. Với sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam, việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, phát huy hiệu quả các văn kiện nền tảng của ASEAN đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là việc mở rộng TAC, thúc đẩy thực hiện DOC và COC…

Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, hiệu quả và thực chất thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; khuyến khích các Đối tác tham gia và đóng góp xây dựng vào các trọng tâm và ưu tiên của khu vực. Việt Nam đã đảm nhiệm và phát huy tốt vai trò nước điều phối quan hệ dối thoại ASEAN – EU (2012 – 2015); đã cùng các nước ASEAN xác định những ưu tiên cần thúc đẩy trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm vai trò nước điều phối, tạo cơ sở để tiếp tục phát triển quan hệ ASEAN – EU trong thời gian tới.

Việt Nam chủ động thúc đẩy hợp tác phát triển Tiểu vùng Mê-kông theo hướng toàn diện cả về phát triển kinh tế – xã hội, cũng như bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước Mê-kông; gắn kết và lồng ghép nội dung Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN với các chương trình hợp tác tiểu vùng Mê-kông, nhất là về cơ sở hạ tầng; đồng thời thúc đẩy hợp tác Mê-kông với các đối tác như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…, giúp các nước tại Tiểu vùng Mê-kông tiếp cận với các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết.

Trong năm 2013, Việt Nam đã hoàn tất việc cử nhân sự đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013 – 2017. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh đã chính thức nhận chức Tổng thư ký ASEAN ngày 09/01/2013 và đã đảm nhiệm tốt vai trò Tổng thư ký trong những tháng đầu năm 2013, được các nước thành viên đánh giá cao.

Nhận lời mời của Quốc vương Bru-nây Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a (Hassani Bolkiah), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan bao gồm: Cấp cao ASEAN +3, Cấp cao ĐôngyAS (EAS) lần thứ 8 và các Cấp cao ASEAN+1 với các Đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Liên hợp quốc) từ ngày 8 – 10/10/2013 tại Ban-đa Sê-ri Bê-ga-oan, Bru-nây (Bandar Se ri Begawan, Brunei). Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a sẽ đồng chủ trì Hội nghị Cấp cao liên minh chống sốt rét khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan lần này diễn ra trong bối cảnh ASEAN quyết tâm đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng; tăng cường kết nối và hướng về người dân. ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đoàn kết ASEAN tiếp tục được củng cố, quan hệ với các nước đối tác tiếp tục được tăng cường và làm sâu sắc thêm; vai trò và tiếng nói của ASEAN trong các vấn đề chung quan trọng ở khu vực được nâng cao. Tuy nhiên, ASEAN cũng phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là bảo đảm tiến độ xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đề ra tầm nhìn sau 2015, cũng như xử lý hài hòa các vấn đề trong khu vực.

Căn cứ vào kết quả tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 22, ASEAN dự kiến sẽ xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau  năm 2015 với 4 mục tiêu cơ bản, đó là: Củng cố tiến trình xây dựng cộng đồng và hội nhập hiện nay của ASEAN; Hướng tới người dân nhiều hơn; Tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực và trong xử lý các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm; Tiếp tục chủ động mở rộng quan hệ với bên ngoài.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan lần này, Lãnh đạo Cấp cao ASEAN sẽ tập trung bàn việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết và kết nối, tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3 và EAS, hướng phát triển của ASEAN giai đoạn sau năm 2015, cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan lần này với tinh thần tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, cùng các nước ASEAN và Chủ tịch ASEAN Bru-nây đóng góp vào thành công chung của Hội nghị Cấp cao; thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, xây dựng một ASEAN vững mạnh và liên kết chặt chẽ, thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác./.

Nguồn ĐCSVN