Viện Cây ăn quả miền Nam hội thảo quy trình kỹ thuật thâm canh cây sầu riêng

(THTG) Chiều ngày 28-3, tại ấp Xuân Quang, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức hội thảo thống nhất quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây sầu riêng cho các tỉnh Nam bộ, nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sau rieng 4

Sau rieng 6

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Minh Trí

Mô hình do Viện cây ăn quả miền Nam chủ trì và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2017-2022, trên vườn sầu riêng giống Ri6 và Monthong, của 3 hộ nông dân xã Hội Xuân và xã Long Tiên, huyện Cai Lậy. Từ kết quả điều tra, nghiên cứu, thí nghiệm, thu thập, tổng hợp tài liệu liên quan và kết quả ứng dụng trên thực tế vườn cây, mục tiêu kinh tế mà mô hình hướng đến là năng suất đạt trên 15 tấn/hecta, cao hơn 10% so với sản xuất đại trà, chất lượng trái tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính hoặc tiêu thụ nội địa trái tươi.

Sau rieng 2

Sau rieng 7

Sau rieng 8

Nông dân tham quan mô hình. Ảnh: Minh Trí

Qua thí nghiệm thực tế trên vườn sầu riêng, các nhà khoa học của Viện cây ăn quả miền Nam đã đúc kết được quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây sầu riêng ở các tỉnh Nam bộ, bao gồm 4 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 là sau khi thu hoạch, nông dân cần cắt tỉa cành, vệ sinh vườn và bón phân hữu cơ để cây đủ sức khỏe bắt đầu một vụ trái mới. Giai đoạn 2 là xử lí ra hoa và tạo mầm hoa. Nông dân tiến hành xiết nước, đậy mủ kết hợp với phun Paclobutrazole đồng thời quản lí chặt chẽ sâu bệnh. Giai đoạn 3 là đậu trái và phát triển trái. Lúc này cây cần phân hữu cơ công nghiệp và hu-mic để tăng trọng lượng và chất lượng. Giai đoạn 4 là thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch đúng kỹ thuật.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 14.000 hecta sầu riêng và là một trong những loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, được tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng chuyên canh, sản lượng hàng hóa lớn và chất lượng ngon, an toàn. Từ nền tảng thuận lợi về đất đai, sinh thái, khi nông dân trồng sầu riêng áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp do Viện cây ăn quả miền Nam thí nghiệm, đúc kết và chuyển giao, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất loại trái cây đặc sản này.

Kim Nữ