Đưa hoạt động phát thanh truyền hình Tiền Giang vươn lên tầm cao mới

(THTG) Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang là kênh thông tin, tuyên truyền thiết yếu, thực hiện chức năng: “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân tỉnh Tiền Giang”. Kế thừa và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của báo chí cách mạng, cán bộ làm báo trưởng thành từ trong kháng chiến được giao nhiệm vụ cùng với cán bộ, phóng viên trẻ, nhân viên kỹ thuật được đào tạo hoặc chỉ qua kinh nghiệm thực tế,… chung tay, góp sức thành lập và đưa Đài đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu thông tin, hưởng thụ nghệ thuật và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân.

Cách nay 40 năm, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn lại phải khắc phục hậu quả nặng nề sau chiến tranh, cùng cả nước tỉnh vừa phải ứng phó với thiên tai, lũ lụt diễn ra nhiều năm liên tiếp, vừa phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chiến đấu chống xâm lược trong cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia,… Trong bối cảnh ấy, Tỉnh ủy – Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn xác định và quyết tâm xây dựng Đài Phát thanh tỉnh để truyền đạt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngày 16/9/1979, Đài chính thức ra đời, đánh dấu sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt về sự phát triển của báo chí cách mạng tỉnh nhà; cùng với đó là hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, thành, thị trong tỉnh cũng nhanh chóng được thiết lập đến tận cơ sở, hình thành nên sự nghiệp phát thanh tỉnh Tiền Giang.

Năm 1994, nhằm đa dạng hóa các loại hình báo chí, đồng thời xác định truyền hình là công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa cũng như các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng,… tỉnh có chủ trương xây dựng Đài Truyền hình. Theo đó, ngày 17/10/1995, Đài được khởi công với các hạng mục của dự án kỹ thuật về phát thanh và truyền hình. Qua 2 năm triển khai thực hiện dự án, đến ngày 19/12/1996, Đài chính thức phát sóng truyền hình, từ đây tên gọi đầy đủ của Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang được ra đời, thu hút khán thính giả qua các chương trình thời sự, các chuyên mục, các tiết mục bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, mở rộng thông tin ngoài tỉnh và quốc tế, góp phần nâng cao nhu cầu thông tin, giải trí của công chúng.

Tinh uy

Lãnh đạo Tỉnh ủy thăm và làm việc tại với Đài PT-TH Tiền Giang.

 

Những năm gần đây, trước xu thế bùng nổ thông tin, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang đã sớm xây dựng và thực hiện trang thông tin điện tử, thường xuyên cập nhật thông tin mới ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Tiền Giang trên không gian mạng internet. Ngoài ra, Đài còn quan tâm duy trì và từng bước thực hiện chương trình truyền hình của các địa phương trên sóng đài tỉnh; nhờ vậy, diện mạo và loại hình của hoạt động phát thanh – truyền hình Tiền Giang khá đa dạng, phong phú và là cơ quan báo chí chủ lực trên các loại hình báo chí (báo nói, báo hình và thông tin điện tử) hoạt động thường xuyên, liên tục 24/24 giờ với đặc thù nhanh, nhạy, chính xác, kịp thời,…

Trong hoàn cảnh còn thiếu thốn và hạn chế nhiều mặt, các thế hệ làm công tác phát thanh – truyền hình không ngại gian khó, luôn làm chủ loại hình báo nói, báo hình và thông tin điện tử, thông tin – tuyên truyền nhanh chóng, bám sát nhiệm vụ chính trị, mọi tình huống diễn ra, nhất là diễn biến thiên tai, địch họa, các tình huống “nhạy cảm”,… Qua đó, kịp thời định hướng dư luận xã hội, phản bác lại các thông tin xấu, độc, bịa đặt, đấu tranh có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Cũng trong quá trình đó, Đài tranh thủ hợp tác có hiệu quả với các đối tác, cùng với sự đầu tư từ ngân sách nên hệ thống thiết bị kỹ thuật của Đài từng bước được cải tiến, nâng cấp theo hướng tiếp cận công nghệ phát thanh – truyền hình hiện đại.

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ làm công tác phát thanh, truyền hình Tiền Giang luôn thể hiện tốt vai trò là “người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng”, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền và giải trí cho công chúng – đó là vốn quý, đáng trân trọng và đó cũng là nhân tố căn bản cho chặng đường tiếp theo. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang vẫn còn khiếm khuyết, hạn chế cần phấn đấu vươn lên, đó là: sự thu hút khán thính giả nghe, xem Đài còn khiêm tốn; chương trình thời sự trên sóng truyền hình còn đơn điệu; các chương trình văn hóa, văn nghệ, giải trí chưa tạo dấu ấn, thể hiện sự đột phá và chưa mang đậm bản sắc địa phương, tính đại chúng,…

San xuat chuong trinh

Phòng thu phim trường Đài PT-TH Tiền Giang

 

Với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh nhà luôn tin tưởng và kỳ vọng hoạt động của Đài sẽ có những bước tiến mang tính đột phá cả về quy mô và tính chất, thu hút đông đảo công chúng nghe, xem Đài. Thông qua các kênh phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang sẽ ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò là “cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân Tiền Giang”, là kênh thông tin chủ lực quảng bá về Tiền Giang với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy – Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương đầu tư toàn diện xây dựng và phát triển Đài Phát thanh -Truyền hình trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, trong đó đáng quan tâm là đầu tư trang thiết bị, phương tiện hoạt động và nguồn nhân lực, đây là nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng hoạt động phát thanh – truyền hình của tỉnh.

Trước xu thế hội nhập và phát triển, cùng với sự bùng nổ thông tin, sự phát triển không ngừng của công nghệ phát thanh – truyền hình, nhất là nhu cầu ngày càng cao và kỹ tính của khán, thính giả,… đòi hỏi Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang phải hoạch định và thực hiện những bước đi có tính chiến lược và có những đột phá mới. Trước tiên, lãnh đạo Đài cần chú trọng nghiên cứu, dự báo xu thế phát triển, đánh giá đầy đủ thực trạng, từ đó tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có quyết sách đúng đắn, sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kỹ thuật phát thanh – truyền hình vừa hiện đại, vừa đảm bảo kiến trúc thẩm mỹ, xứng đáng là điểm nhấn mang tính biểu tượng văn hóa tại vị trí trung tâm của tỉnh – xem đây là công trình quan trọng trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh, có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa sâu sắc, đánh dấu bước ngoặt phát triển sự nghiệp phát thanh – truyền hình Tiền Giang.

Bên cạnh đó, Đài cũng cần phải nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu công nghệ phát thanh – truyền hình sao cho thích ứng trước sự tiến bộ, thay đổi nhanh chóng để có phương án sử dụng nguồn ngân sách đầu tư hiệu quả, phát huy tốt nhất tính năng của các trang thiết bị kỹ thuật cho hoạt động. Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, bởi đây là nhân tố có tính quyết định đến sự phát triển bền vững của Đài; phải khẩn trương rà soát lại nguồn nhân lực gắn với các chức danh theo quy trình từ lãnh đạo nội dung đến phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, từ lãnh đạo kỹ thuật công nghệ đến lực lượng vận hành phương tiện, thiết bị, kể cả lực lượng làm công tác truyền thanh – truyền hình các huyện, thành, thị và các sở, ngành; gắn quy hoạch với đào tạo, đào tạo lại nhằm sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị mới; có cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, những người giỏi trên lĩnh vực phát thanh – truyền hình trong, ngoài tỉnh; chủ động tham mưu xây dựng các định chế làm cơ sở pháp lý khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đối tác tạo tiềm lực nâng cao chất lượng hoạt động,…

Những thành quả đạt được trong quá trình phát triển sự nghiệp phát thanh – truyền hình Tiền Giang tuy có mặt còn khiêm tốn, nhưng đáng được trân trọng và tự hào; các thế hệ làm công tác phát thanh – truyền hình tỉnh nhà đã không ngừng vun đắp và đúc kết nhiều kinh nghiệm, bài học có giá trị, trong đó có cả bài học “đắng lòng” – đó là tiền đề cho thế hệ hôm nay hun đúc, làm kinh nghiệm hướng tới tương lai. Đứng trước những khó khăn và những vấn đề tồn tại đang là trở ngại cho quá trình phát triển trong những năm tới, ngay cả về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực, nội dung và sự đa dạng của các chương trình, sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước,… đòi hỏi lực lượng làm công tác phát thanh – truyền hình, trước hết là Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang phải nêu cao sức mạnh đoàn kết, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, năng động, sáng tạo với quyết tâm đưa sự nghiệp phát thanh – truyền hình Tiền Giang vươn lên tầm cao mới…

Nguyễn Văn Danh – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang