72 người chết, 30 người mất tích, nhiều xã vẫn đang bị cô lập

Theo thống kê mới nhất, tính tới thời điểm hiện tại đợt mưa lũ lịch sử đã làm 72 người chết, 30 người mất tích, nhiều xã vẫn đang bị cô lập. Chiều qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo ngày 16/10 của Ban Chỉ  đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 21h00 ngày 15/10, đợt mưa lũ lịch sử đã làm 72 người chết (tăng 4 người so với báo cáo ngày 14/10 do đã tìm thấy thi thể). Trong đó, Sơn La 6 người; Yên Bái 15 người, tăng 1 người; Hòa Bình 23 người, tăng 3 người; Thanh Hóa 16 người; Nghệ An 9 người, Hà Nội 2 người; Quảng Trị: 1 người). Trận mưa lũ cũng làm 30 người mất tích, 33 người bị thương.

Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đến chiều ngày 15/10, đã tìm được 13 thi thể nạn nhân bị vùi lấp; còn 5 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

Về nhà cửa, 222 nhà bị sập đổ hư hỏng; 2.300 nhà di dời khẩn cấp; 49.402nhà bị ngập; hiện nay mực nước đang rút, các địa phương tiếp tục tổ chức thống kê, tổng hợp.

Về chăn nuôi, 9.300 con gia súc và 290.523 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về giao thông, tại Yên Bái: Tuyến đường tỉnh lộ 166 đoạn Âu Lâu-Đông An tại Km 42+200 đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông.

Tại Hòa Bình: Quốc lộ 6 đoạn ngã ba Tòng Đậu, huyện Mai Châu hiện đã thông tuyến nhưng lưu thông gặp nhiều khó khăn do nước chưa rút hết.

Tại Sơn La: Đường giao thông đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ hiện vẫn bị cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 2 mố).

Tại Thanh Hóa: Quốc lộ 16 đoạn qua huyện Thường Xuân Km168-Km190,tỉnh lộ 521B tại Km18+300 xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tuyến đường tuần tra biên giới đoạn qua huyện Thường Xuân, Quan Sơn còn ách tắc, chưa thông tuyến.

Về nông, lâm nghiệp và tiêu úng, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tính đến chiều ngày 15/10 diện tích ngập úng, đổ, ngã còn 75.600ha (giảm 50.915ha so với báo cáo nhanh ngày 14/10), trong đó: Nam Định 22.600ha; Hà Nam 11.640 ha, Ninh Bình 14000ha, Thanh Hóa 27.405ha). Theo dự kiến, tình hình ngập úng nặng sẽ còn tiếp diễn trong 5-6 ngày tới ở các tỉnh Hà Nam và Nam Định; 3-4 ngày ở tỉnh Ninh Bình.

Tỉnh Thanh Hóa còn xã Trung Chính (Nông Cống) và chỉ một phần xã Yên Giang (Yên Định) vẫn bị cô lập.

Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, xử lý các sự cố

Về những công việc cần triển khai tiếp theo, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện số 1560/CĐ-TTg ngày 12/10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Công điện số 82/CĐ-TW ngày 13/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 11.

Tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết bị nạn.

Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Khẩn trương xử lý các sự cố hư hỏng về đê điều, hồ đập, giao thông, hệ thống điện trong đợt mưa lũ vừa qua để sẵn sàng ứng phó với bão số 11 và các đợt mưa lũ tiếp theo.

Huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch các diện tích lúa, hoa màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch; tiêu úng cho các diện tích lúa và hoa màu đang bị ngập. Tiến hành rà soát thống kê thiệt hại, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp giống cây trồng, vật nuôi.

Các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến bão số 11, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh.

Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp

Ngày 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang đã ký ban hành Quyết định số 1971/QĐ-UBND về việc công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bao gồm:

1. Thành phố Hòa Bình: Sạt lở đất ở phía Đông Nhà Máy Thủy điện Hòa Bình (khu vực đồi Ông Tượng); khu vực tổ 4,5,6 phường Chăm Mát, khu vực tổ 4, phường Thái Bình; khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến).

2. Huyện Kim Bôi: Sạt lở đất tại xóm Mớ Khoắc, xóm Mớ Đồi, xã Hạ Bì; xóm Đúp, xóm Củ, xã Tú Sơn.

3. Huyện Tân Lạc: Sạt lở đất tại các xã: Phú Cường, Nam Sơn.

4. Huyện Đà Bắc: Sạt lở đất tại xóm Nhạp Ngoài, xã Đồng Ruộng, xóm Hà, xã Đồng Chum, xóm Kế, xã Mường Chiềng, xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa và các tuyến đường trên địa bàn huyện.

5. Huyện Lạc Sơn: Sạt lở đất tại xóm Nạc, xã Tuân Đạo.

6. Huyện Mai Châu: Sạt lở đất tại xóm Phiêng Xa, xã Đồng Bảng.

7. Huyện Kỳ Sơn: Sạt lở đất tại xóm Tân Thành, xã Hợp Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị thực hiện các biện pháp tăng cường bảo vệ các khu dân cư, công trình kết cấu hạ tầng, cơ sở sản xuất- kinh doanh, chăn nuôi trong khu vực đang bị sự cố như sau:

1. UBND các huyện: Tân Lạc, Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình:

– Phân công cán bộ tổ quan sát theo dõi tình hình sạt lở để cảnh báo và đồng thời báo cáo.

– Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng khẩn cấp này; tổ chức thực hiện di dời ngay các hộ dân, nhà cửa, vật kiến trúc, cơ sở sản sản xuất- kinh doanh ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và có kế hoạch vận động, di dời các hộ dân còn lại nằm trong vùng cảnh báo sạt lở đến nơi an toàn.

– Thực hiện ngay việc hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn theo đúng quy định chính sách hiện hành.

– Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án di chuyển dân, tái định cư, ổn định đời sống nhân dân.

2. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, lắp đặt các biển báo hiệu giao thông để hạn chế tốc độ, tải trọng các phương tiện giao thông thuỷ đi qua khu vực này.

3. Đài PT&TH tỉnh, Báo Hòa Bình kịp thời đưa tin để thông tin, cảnh báo về tình trạng khẩn cấp này để nhân dân, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản sản xuất kinh doanh trong và ngoài khu vực có sự cố biết mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh.

4. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên nắm bắt tổng hợp thông tin báo cáo UBND tỉnh. Trưởng các đoàn được giao phụ trách các huyện: Tân Lạc, Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình chủ động nắm bắt thông tin tại địa bàn được giao phụ trách, để chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó thiên tai.

Vụ sạt lở vùi lấp 18 người: Tìm thấy thi thể 3 mẹ con

Khoảng 9h sáng 15/10, sau 4 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu nạn cứu hộ của Công an, quân đội… đã phát hiện thi thể 3 mẹ con trong vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Sáng nay, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích sau vụ sạt lở đất. Ngoài 4 máy xúc, lực lượng chức năng đưa thêm 1 máy khoan cắt đá vào hiện trường.

Có mặt tại hiện trường, Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình chỉ đạo, động viên anh em cố gắng hết sức, nỗ lực tìm kiếm dù chỉ còn 1% hy vọng cũng phải tìm bằng được các thi thể còn lại.

Trong ngày 14/10, lực lượng chức năng không tìm thấy thêm nạn nhân nào. Công tác tìm kiếm các nạn nhân gặp nhiều khó khăn vì lượng đất đá rất nhiều.

9h sáng, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm thấy thi thể cháu Bùi Thị Soan (SN 2008). Khoảng 10h, lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp tục phát hiện thi thể 2 mẹ con chị Bùi Thị Sinh (SN 1981) và cháu Đinh Công Thắng hơn 3 tháng tuổi. Được biết, đây là 3 mẹ con (cháu Soan là con riêng của chị Sinh).

Trước đó, khoảng hơn 1h sáng ngày 12/10, mưa lớn tại khu vực xóm Khanh, đã xảy ra vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng, hàng nghìn mét khối đất đá ập xuống từ thác Khanh, vượt qua lòng suối vùi lấp 6/8 căn nhà và cướp đi sinh mạng của 18 người xấu số. Đến sáng 13/10 đã tìm được 10 thi thể nạn nhân.

Nguồn Chính phủ