HĐND tỉnh Tiền Giang làm việc với UBND tỉnh về quy hoạch sử dụng đất gắn với mời gọi đầu tư

(THTG) Ngày 8 – 5, HĐND tỉnh Tiền Giang do ông Trần Thanh Nguyên – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh để giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực tham gia phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các công trình hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, xây dựng môi trường đầu tư thực sự năng động, minh bạch và hỗ trợ nhà đầu tư, nâng cao mức độ hài long của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh, tập trung thu hút  đầu tư theo hướng khai thác các thế mạnh của tỉnh, trong giai đoạn 2019-2023, tỉnh Tiền Giang đã thu hút được 76 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký là 26.396 tỷ đồng, trong đó có 56 dự án trong lĩnh vực đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19.021 tỷ đồng và 19 dự án trong lĩnh vực xây dựng khu dân cư, khu đô thi, khu nhà ở với tổng vốn đăng ký là 7.375 tỷ đồng.

Quang cảnh buổi làm việc của HĐND tỉnh với UBND tỉnh về quy hoạch sử dụng đất gắn với mời gọi đầu tư. Ảnh: Võ Duy

Hiện có 39 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 10.320 tỷ đồng; 07 dự án đang trong quá trình xây dựng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 445 tỷ đồng; 21 dự án đầu tư đang trong quá trình giải phóng mặt bằng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 10.599 tỷ đồng và có 10 dự án đầu tư đang bị thu hồi chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư.

Nhìn chung, các dự án triển khai mời gọi đầu tư trên đại bàn tỉnh được dựa trên cơ sở phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, đối với các dự án phải thu hồi đất theo khoản 3 điều 62 Luật Đất đai năm 2013 thì được đăng ký, bổ sung vào Nghị quyết trình thông qua HĐND tỉnh đảm bảo đúng qui định.

Trong quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, như chính sách  pháp luật về đất đai thời gian qua có sự thay đổi khá lớn liên quan đến giá đất, thu tiền sử dụng đất, chế độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư… đặc biệt là do giá đất tăng cao vượt quá khả năng của chủ đầu tư nên triển khai dự án chậm tiến độ; nhiều dự án có trong quy hoạch sử dụng đất nhưng nhà đầu tư không có đủ tiềm lực tài chính…Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng dự án, giao đất, cho thuê đất còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cùng các đại biểu đã phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những hạn chế còn tồn tại, đồng thời gợi mở đề xuất một số giải pháp nghiên cứu tháo gỡ trong thời gian tới.

Thu Thủy

Các bài viết liên quan