Hiệu quả từ các mô hình bao trái xoài ở huyện Cái Bè

(THTG) Bao trái xoài bằng túi bao trái không còn là kỹ thuật xa lạ đối với nhà vườn. Nếu như trước đây, việc làm này chỉ được ứng dụng ở các mô hình trình diễn thì giờ đây kỹ thuật này đã trở nên phổ biến ở hầu hết các vườn trồng xoài chuyên canh của huyện Cái Bè.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều nhà vườn đã có những cách nhìn mới đối với việc ứng dụng bao trái trên xoài. Với hiệu quả của việc bao trái mang lại, hiện nay nhiều bà con nhà vườn đã tin tưởng tuyệt đối về kỹ thuật bao trái trên các loại cây ăn trái nói chung và trên cây xoài nói riêng.

Kỹ thuật bao trái giúp tăng năng suất và chất lượng trái xoài.

Với kỹ thuật bao trái đã giúp nông dân hạn chế sâu bệnh trên quả xoài, qua đó hạn chế tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật và tất nhiên, biện pháp này vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, vừa bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, sử bằng túi bao trái giảm được sự va chạm cơ học do gió gây ra trên trái xoài, giảm sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn qua vết thương, hạn chế tối đa bệnh thán thư và xì mủ, làm tăng năng suất từ 20 – 30%, tăng chất lượng trái xoài sau thu hoạch. Đặc biệt trái xoài được bao trái có màu sắc, mẫu mã rất đẹp, dễ bán, nhất là hàng xuất khẩu.

Nếu so sánh với sản xuất truyền thống thì kỹ thuật bao trái bằng túi đã tăng lợi nhuận trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Nhà vườn có điều kiện đảm bảo sức khỏe hơn vì hạn chế tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật.

Mô hình sản xuất xoài bao trái áp dụng rộng ở vùng chuyên trồng cây ăn trái ở huyện Cái Bè sẽ rất thuận lợi. Nông dân sản xuất trái xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, Global Gap thì mô hình sản xuất bao trái sẽ mở ra hướng sản xuất mới an toàn, đảm bảo chất lượng trái, người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng.

           Tin và ảnh: Chiêu Nam

Các bài viết liên quan