Xử lý tro, xỉ thải: Kinh nghiệm từ Nhiệt điện Phả Lại

Xử lý tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện chạy than đang là vấn đề “nóng”. Tuy nhiên, đây không hẳn là một bài toán chưa có lời giải bởi đã có những mô hình thành công trên thực tế.

Hồ chứa tro, xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Những thành công của Nhiệt điện Phả lại

Trên thực tế, khi thiết kế Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại thì chưa có thiết kế dây chuyền hệ thống xử lý tro xỉ. Trong giai đoạn đầu khi khởi động xây dựng các tổ máy, việc xử lý tro xỉ chủ yếu được đưa lên hồ xỉ thải Khe Lăng với dung tích trong khoảng thời gian 5 năm. Hồ chứa thứ hai là hồ chứa Bình Gia với dung tích chứa tro xỉ thải trong vòng 25 năm. Tất cả lượng tro xỉ thải đưa lên các hồ chứa này đều được nhấn chìm dưới 2 mét nước.

Theo ông Phạm Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, mỗi năm nhà máy tiêu thụ 3-3,2 triệu tấn than, tương ứng với đó là 800.000 đến 1 triệu tấn tro, xỉ thải ra trong quá trình sản xuất. Đây là bài toán đòi hỏi phải giải quyết một cách căn cơ đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than để vừa bảo đảm môi trường, vừa bảo đảm an toàn sản xuất.

“Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm 80 thế kỷ trước. Thời gian gần đây, toàn bộ tro, xỉ thải ra trong quá trình sản xuất đã trở thành nguyên liệu đầu vào cho các công ty khác đã ký kết với nhà máy để thu gom, xử lý tro, xỉ”, ông Thư nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Kỹ thuật của công ty, lượng tro, xỉ tại dây chuyền 1 và dây chuyền 2 của Nhiệt điện Phả Lại đều đã được ký kết thu hồi, xử lý theo quy trình công nghệ khép kín của các đối tác.

Tro, xỉ thải của nhà máy được thu hồi và bán cho các Công ty Vina Fly Ash (Hàn Quốc), Công ty Sông Đà Cao Cường, Công ty CP Thiên Tân và Công ty CP Phụ gia bê tông Phả Lại để làm phụ gia cho ngành xây dựng như phụ gia bê tông đầm lăn tại thủy điện Sơn La, Lai Châu, phụ gia xi măng, gạch chưng áp, thạch cao… Các sản phẩm tận dụng từ nguồn tro, xỉ của nhà máy đã bước đầu khẳng định được chất lượng, hiệu quả qua thực tế sử dụng.

Theo tính toán của Nhiệt điện Phả Lại, mỗi năm các đơn vị này thu hồi, xử lý khoảng 350.000 tấn tro, xỉ thải. Lượng tro xỉ không được khai thác hết sẽ được hòa lẫn với nước và được trạm bơm thải xỉ của các dây chuyền kể trên bơm ra hồ chứa Khe Lăng, Bình Giang qua hệ thống đường ống và đều được đánh chìm dưới nước. Do đó đã giảm thiểu tác động đến môi trường khu vực xung quanh.

Các sản phẩm từ tro, xỉ. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Cần có cơ chế và hướng dẫn cụ thể

Qua kinh nghiệm của Nhiệt điện Phả Lại, có thể thấy rằng Công ty đã tận dụng được lợi thế tự nhiên trong việc xây dựng các hồ chứa xỉ thải có trữ lượng chứa lớn. Mặt khác, điều quan trọng hơn là công ty đã ký kết được với các đối tác để thu hồi, xử lý tro xỉ thải trực tiếp theo quy trình công nghệ khép kín để khai thác, sản xuất các sản phẩm từ chất thải thành sản phẩm hữu ích.

Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, bên cạnh đối tác hàng đầu là Công ty Vina Fly Ash, một đối tác khác là Công ty CP Sông Đà Cao Cường đã có những thành công trong việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vận hành dây chuyền công nghệ xử lý tro, xỉ thải để sản xuất ra sản phẩm tro bay với công suất 500.000 tấn/năm. Một điểm đáng chú ý là toàn bộ dây chuyền công nghệ này đều do người Việt Nam thiết kế, chế tạo cũng như thi công, lắp đặt.

Qua các khâu xử lý tách, tuyển, đối tác này đã tận dụng, sản xuất ra các sản phẩm tro bay, gạch nhẹ chưng áp AAC, vữa khô, thạch cao, than, bê tông đầm lăn. Mới đây, Công ty này đã phối hợp với Công ty CP VICEM Hoàng Thạch thử nghiệm thành công sử dụng tro bay ẩm làm phụ gia sản xuất xi măng bảo đảm chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và có thể sử dụng rộng rãi trong sản xuất xi măng.

Ông Kiều Văn Mát, Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà Cao Cường cho biết, với một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW như Phả Lại, với khoảng 3 ha mặt bằng và đầu tư khoảng 70 tỉ đồng sẽ hoàn thiện được dây chuyền công nghệ khép kín xử lý cơ bản lượng tro, xỉ thải ra.

Tuy nhiên, ông Mát cho biết một trong những khó khăn mà công ty đang gặp phải là giá tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện còn cao, cộng với chi phí đầu tư cho quá trình xử lý, tách, tuyển, sản xuất làm cho giá thành đầu ra các sản phẩm cao, khó cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Ông Mát cho rằng Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng là quyết định quan trọng, mang tầm chiến lược trong công tác bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên quốc gia trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Ông Mát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất, tập trung phát triển vật liệu xây dựng không nung đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý tro, xỉ, chất thải của các nhà máy nhiệt điện và hóa chất để làm nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Đây chính là những tiền đề góp phần tháo gỡ những nút thắt trong việc xử lý tro, xỉ thải tại các nhà máy nhiệt điện vốn đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.

 

Nguồn Chinhphu.vn