Xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Cần thống nhất một cơ quan xử phạt

Đó là quan điểm chung của các nhà báo và luật sư tại Hội thảo “Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?” do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) – Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 5/2, tại Hà Nội.

Trước phản ứng của báo chí và dư luận về hành vi đưa tin sai sự thật được quy định tại nhiều nghị định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước với mức phạt khác nhau, trong khi có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi thông tin sai sự thật của báo chí, Bộ Tư pháp đã rà soát và đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định để sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về XPVPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Theo dự thảo Nghị định, các hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng được quy định tại các Nghị định XPVPHC trong lĩnh vực thống kê, quản lý giá, y tế được thống nhất tại Nghị định XPVPHC trong lĩnh vực báo chí, do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thực hiện, mức phạt đối với hành vi này được giữ nguyên mức phạt tại các nghị định hiện hành trong các lĩnh vực đó. Còn hành vi cung cấp thông tin sai sự thật của các đối tượng là cá nhân, tổ chức, cơ quan khác (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo) quy định tại các Nghị định do các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xử phạt.

Hội thảo “Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng
được phạt báo chí?”. (Ảnh: Thế Kha).

Tuy nhiên, điều khiến nhiều cơ quan báo chí quan tâm là Dự thảo Nghị định chưa thể hiện được sự công bằng giữa các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan báo chí.

Trong khi hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật của cơ quan báo chí và nhà báo có thể bị phạt đến 100 triệu đồng đối với hành vi “đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường”, thì mức phạt đối với hành vi: “Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định …” theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản chỉ bị phạt từ 200 –  500 nghìn đồng.

Nhất trí với quan điểm “sai phải phạt”, nhưng Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, cần thống nhất một cơ quan xử phạt báo chí, mức phạt phải phụ thuộc vào độ lan tỏa và ảnh hưởng của thông tin. Nếu giao cho các Bộ, ngành, thẩm quyền này sẽ có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng để “trả đũa” báo chí khi thường xuyên thông tin những vấn đề không tốt của ngành mình và việc đánh giá sẽ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan này; đồng thời, đề nghị cần có chế tài xử lý mạnh cả cơ quan, tổ chức không cung cấp, cung cấp không kịp thời hoặc cung cấp thông tin không đúng cho báo chí mới đảm bảo công bằng”.

Thừa nhận thực tế thời gian qua cũng có không ít thông tin báo chí đưa sai sự thật gây bức xúc, hoang mang trong dư luận, một số ý kiến kiến nghị, nên quy định cho các cơ quan báo chí khắc phục tình trạng “thông tin sai sự thật” bằng công cụ “mềm” như: Ra thông cáo báo chí, tổ chức họp báo để đính chính thông tin.

Ví von, việc dự thảo Nghị định quy định cho các cơ quan quản lý nhà nước được quyền phán quyết thông tin đúng – sai trên báo chí và xử phạt báo chí là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Mai Phan Lợi – Trưởng đại diện báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội cho rằng, quy định như vậy sẽ hạn chế tính phản biện của báo chí.

Vì vậy, quan điểm chung của nhiều nhà báo là thẩm quyền xác định thông tin đúng – sai của thông tin nên được giao cho một hội đồng thẩm định độc lập làm căn cứ xử phạt.

Trước việc có quá nhiều cơ quan có quyền xử phạt báo chí thông tin sai sự thật, trả lời báo chí, ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Xử phạt báo chí chỉ được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí – xuất bản. Nếu bộ nào, ngành nào, cơ quan nào cũng đưa ra yêu cầu xử phạt báo chí thì sẽ không đúng quy định của pháp luật. Theo ông Lê Như Tiến, việc quy định như trên sẽ dẫn đến trùng lắp, chồng chéo, bởi cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là Bộ Thông tin và Truyền thông mới có quyền xử phạt báo chí, xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí – xuất bản…

Nguồn ĐCSVN