Xây dựng liên kết xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo

Hiện nay, Việt Nam đã và đang khẳng định vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với lượng gạo trung bình xuất khẩu trên dưới 7 triệu tấn/năm. Gạo nước ta cũng đã được xuất khẩu đi hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành nguồn cung cấp quan trọng trong cung cầu thương mại gạo khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, thị trường gạo thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến thử thách với sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam. Trong đó, phải kể đến sức ép về giá và chất lượng.

 

Người nông dân vẫn còn duy trì lối canh tác và thu hoạch manh mún, thủ công;
sản xuất lúa gạo còn ở quy mô nhỏ, lẻ (Ảnh: HNV)

Ở trong nước, hệ thống sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo bộc lộ nhiều bất cập: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; tập quán canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản còn lạc hậu; chi phí đầu vào sản xuất cao, luôn biến động, khó kiểm soát; chi phí lưu thông cao; hệ thống cung ứng không ổn định, thiếu bền vững. Cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác còn nhiều bất cập… Những hạn chế này là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng, giá trị gạo Việt Nam không được đánh giá cao trên thị trường thế giới, khó xây dựng thương hiệu, xuất khẩu không ổn định, gây sức ép tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra đối với lúa gạo Việt Nam, cần thiết phải nghiên cứu phương thức phù hợp tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thực hiện thay đổi căn bản từ khâu tổ chức sản xuất theo định hướng sản xuất hàng hóa lớn. Theo ThS Trần Xuân Long, Trưởng phòng Quản lý xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, từ kinh nghiệm thực tiễn qua triển khai các mô hình, phương thức liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở một số khu vực trên cả nước, có thể thấy, mức độ thành công của các địa phương, doanh nghiệp khá khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động, tổ chức triển khai và nỗ lực của chính quyền cũng như người dân và doanh nghiệp đồng thời mức độ bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích của các bên, năng lực triển khai của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Trần Xuân Long, việc thực hiện và tăng cường liên kết là cần thiết góp phần tái cơ cấu ngành lúa gạo, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ổn định bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong điều kiện cạnh tranh gay gắt và quyết liệt như hiện nay. Do đó, để xây dựng liên kết thành công, cần có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở nhằm tập trung nâng cao nhận thức của cả đội ngũ cán bộ, người nông dân và doanh nghiệp tham gia liên kết, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng liên kết, mục tiêu và động lực cụ thể chính là để bảo đảm ổn định, bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Với người nông dân, lợi ích cụ thể là giảm chi phí, giảm đầu tư, giảm sức lao động, tăng thu nhập. Với doanh nghiệp, giảm chi phí lẫn giảm giá thành và nâng cao chất lượng lúa gạo hàng hóa, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Vì thế, trong thực hiện liên kết, không chỉ dùng các biện pháp hành chính mà còn cần theo các nguyên tắc của điều tiết thị trường, gắn với động lực lợi ích của từng bên tham gia với phương châm “Chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, trách nhiệm rõ ràng, giữ chữ tín và xây dựng sự tin tưởng giữa các bên tham gia”.

Đặc biệt, trong thực hiện liên kết, khâu kỹ thuật sản xuất là quan trọng, khâu tổ chức thu mua là quyết định.

Rõ ràng, việc thể chế hóa quan hệ liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo để định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân cần có sự linh hoạt cần thiết để bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế triển khai của thương nhân trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng các mô hình liên kết cần ở mức quy mô phù hợp, có lộ trình để bảo đảm tính khả thi, sau đó, phát huy tác dụng lan tỏa, thúc đẩy mở rộng liên kết trên cơ sở định hướng, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước và giá trị thực tiễn mà các mô hình liên kết mang lại./.

Nguồn ĐCSVN