WB cảnh báo nguy cơ khủng hoảng từ nợ công

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nợ công ở các nước đang phát triển và mới nổi tăng nhanh nhất, nhiều nhất ở bất kỳ giai đoạn nào trong suốt 5 thập niên qua.
bat-dong-san-khong-nguoi-o_uomf
Một dự án bất động sản không có người ở làm gia tăng nợ công tại Trung Quốc

Tác động lớn 

WB cho rằng, tình trạng nợ công tăng nhanh có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng và nếu xảy ra vỡ nợ, hậu quả sẽ trầm trọng hơn khi các công ty tư nhân bị nhấn chìm giữa lúc kinh tế tăng trưởng chậm chạp. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến cuối năm 2018, tổng nợ toàn cầu đã tăng lên tới 188.000 tỷ USD, tương đương 230% GDP thế giới. WB và IMF đã từng liên tiếp cảnh báo về tình trạng nợ toàn cầu gia tăng trong nhiều năm qua; nhưng báo cáo mới nhất của WB đưa ra cảnh báo mạnh mẽ và khẩn thiết hơn, trong đó kêu gọi các chính phủ sớm đưa ra các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ có thể xảy ra.

Báo cáo của WB nhấn mạnh tình trạng nợ công tăng đột biến ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, cho rằng đây là đợt tăng lớn nhất, nhanh nhất trong 50 năm qua. Khối nợ khổng lồ này bao gồm nợ công của các chính phủ, nợ doanh nghiệp và nợ của các cá nhân, hộ gia đình. Theo hãng tin Bloomberg, một phần lớn trong số nợ này có nguồn gốc từ chương trình vay nợ của các nước nhằm vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Theo WB, nợ ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã giảm trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng chỉ trong vòng 8 năm kể từ 2010, do chi phí vay thấp, nợ tại các nền kinh tế này đã tăng lên đến mức cao nhất từ trước đến nay, tương đương 170% GDP (khoảng 55.000 tỷ USD).

Riêng Trung Quốc đã góp một phần lớn vào mức tăng nợ công (hơn 20.000 tỷ USD), nhưng nước này cũng là “chủ nợ” lớn của các nước thu nhập thấp. Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng nợ công của Trung Quốc phần lớn đến từ các dự án kinh tế kém hiệu quả của địa phương. Trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc bùng nổ, chính quyền các tỉnh thành đua nhau vay tiền để thực hiện những dự án “khủng” như xây dựng sân vận động, công viên, đường cao tốc, dự án bất động sản… nhằm mục đích tạo ra càng nhiều công ăn việc làm càng tốt. Việc nền kinh tế đang chững lại với tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong gần ba thập kỷ qua, buộc Bắc Kinh phải thắt chặt dòng chảy ngân sách để đối phó với vấn đề nợ công.

Chính phủ là “con nợ” khủng

“Núi nợ công” còn tăng lên rất nhiều, không chỉ ở châu Á mà còn ở Mỹ và châu Âu. Những khoản nợ của các sinh viên làm tê liệt những gia đình ở Mỹ; mức thế chấp cao ngất trời đe dọa nền tài chính Australia. Ở cấp độ quốc gia, các chính phủ cũng là những “con nợ” khủng: Nhật Bản đang có mức nợ công bằng 228% GDP; nợ công của Mỹ và Anh là 100% GDP; mức nợ công cũng khá cao ở những nước khác như Ấn Độ, Pakistan và Malaysia. Chính phủ mới đắc cử của Argentina đã cam kết sẽ tái đàm phán hạn mức tín dụng kỷ lục 56 tỷ USD với IMF. Không chỉ Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, một số nước khác cũng đang có chung nỗi ám ảnh này. Về nợ của doanh nghiệp, chỉ riêng các công ty Mỹ đã chiếm khoảng 70% trong tổng số các vụ doanh nghiệp vỡ nợ trong năm nay, ngay cả trong tình hình kinh tế Mỹ đang có chỉ số tăng trưởng mạnh.

Tại Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post, tổng nợ vay của khối doanh nghiệp đã bằng 155% GDP nước này, chỉ đứng sau đặc khu Hồng Công với tỷ lệ 224%. Ở cấp độ hộ gia đình, Australia và Hàn Quốc là những quốc gia có mức nợ lớn nhất. Nợ gia đình ở Hàn Quốc đang bằng 94% GDP, ở Anh tỷ lệ này là 84% và ở Mỹ là 74%.

WB khuyến cáo rằng, quản lý nợ tốt, thu thuế được cải thiện, tỷ giá hối đoái linh hoạt và các nguyên tắc tài chính chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát chi tiêu, có thể giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng, thậm chí giảm những tác động nếu cú sốc xảy ra.

Nguồn SGGP