Vui Xuân chớ quên ruộng đồng

Thời tiết có nhiều bất thường, đã có một đợt rầy cám nở trước Tết trên lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ, ngậm sữa

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống rầy nâu, vàng lùn – lùn xoắn lá và các dịch hại khác trên lúa, trước tình hình thời tiết có nhiều bất thường, đã có một đợt rầy cám nở trước Tết Nguyên đán từ 31/1 đến 7/2 (nhằm 20 đến 27 tháng Chạp) trên lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ, ngậm sữa ở các địa phương. Chính vì vậy, thời điểm Tết nguyên đán cũng chính là lúc mà người nông dân cần thường xuyên thăm đồng nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa dịch bệnh trên lúa.

Phát hiện bệnh sớm trên lúa để phun thuốc kịp thời

Tại tỉnh An Giang, nơi đang sản xuất lúa đông xuân đứng đầu ở khu vực ĐBSCL, những ngày qua, bệnh đạo ôn cũng xuất hiện sớm do thời tiết có sương mù. Nhiều diện tích rải rác ở các địa phương bị nhiễm bệnh nhẹ.

Với tình hình thời tiết hiện nay, đêm lạnh, sáng sớm có nhiều sương mù, trưa nắng nóng, do vậy, ngành nông nghiệp đã lưu ý các địa phương cần tiếp tục chủ động các biện pháp phòng tránh, bám sát khuyến cáo của ngành chuyên môn; đồng thời chỉ đạo hệ thống ngành Nông nghiệp từ huyện đến xã, cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng và kết hợp nông dân theo dõi tình hình sâu bệnh, nhanh chóng ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống trên đồng ruộng, nhất là thời gian trong và sau Tết Nguyên đán.

Kỹ sư Trương Quang Hoàng Dũng, công tác tại Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đề nghị bà con làm lúa phải phun thuốc sớm ngay khi phát hiện rầy nâu và sâu cuốn lá.

Trên tổng thể, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân các tỉnh phía Nam cần đề phòng rầy nâu hại lúa phát triển mạnh đúng vào thời điểm Tết cổ truyền. Việc cần làm theo Trung tâm Bảo vệ thực vật Phía Nam là người dân cập nhật kịp thời diễn biến sâu bệnh, thăm đồng thường xuyên để phát hiện; đồng thời theo dõi mật số rầy nâu, áp dụng phòng trị rầy nâu. Trong đó, nông dân cần kiểm tra thật kỹ ruộng lúa, nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ và mật số hơn 3 con/tép thì phải phun thuốc trừ rầy. Tuyệt đối không phun ngừa khi mật số rầy còn rất thấp (dưới 3 con/tép). Khi phun thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng và tăng cường sử dụng thuốc sinh học trừ rầy.

Riêng đối với bệnh đạo ôn dự báo sẽ tiếp tục phát triển với cấp bệnh phổ biến từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên các giống nhiễm, như: IR 50404, OM 4218, OM 4900, OM 5451, OM 2514… Riêng đối với những ruộng bón thừa đạm, sạ dầy là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển, cần tăng cường thăm đồng để phát hiện sớm bệnh và xử lý kịp thời.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm: Nếu chúng ta không chú ý bệnh sẽ tấn công cổ bông thì thiệt hại rất lớn. Hiện nay là cao điểm của bệnh đạo ôn, đặc biệt là trà lúa đông xuân đại trà. Do vậy, chỉ có thăm đồng thường xuyên và có giải pháp thích hợp mới đảm bảo an toàn và thu hoạch cao. Qua đó đạt lợi nhuận sau mùa vụ.

Trước dự báo tình hình sâu bệnh trong dịp Tết có thể gây hại cho diện tích lúa đông xuân 2012-2013, điều cần thiết hiện nay là ngành chức năng trong khu vực ĐBSCL cần đẩy mạnh việc khuyến cáo bà con nông dân không quên theo dõi, chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh cho đồng ruộng của mình trong dịp Tết với phương châm Vui xuân không quên ruộng đồng ./.