Vợ nhạc sĩ Văn Cao kể lần đầu nghe “Tiến quân ca”

“Tôi nhớ khi ấy tôi xúc động nghẹn ngào, chưa thuộc nên không thể hát theo nhưng nước mắt ứa ra” – bà Nghiêm Thúy Băng chia sẻ.

Bà Nghiêm Thúy Băng- vợ cố nhạc sĩ Văn Cao- tác giả của Quốc ca Việt Nam đã chia sẻ về lần đầu tiên nghe bài hát “Tiến quân ca” nhân dịp Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đến thăm hỏi gia đình vào sáng 1/9. Vợ nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ, khi ấy, bà không thể nghĩ, chồng mình lại chính là người sáng tác Quốc ca.

“Đó là ngày 19/8 năm 1945 tôi cùng các đoàn học sinh mặc quần trắng áo dài đứng ở Nhà hát Lớn. Lúc bấy giờ ông Lê Trọng Nghĩa và bà Nguyễn Khoa Diệu Hợp đứng nói về ngày Quốc khánh, Bác Hồ sẽ đọc Tuyên Ngôn độc lập những ngày đầu tháng 9. 19/8 là ngày toàn dân cướp được chính quyền, thanh thiếu niên và đồng bào đi dưới Quảng trường Nhà hát Lớn, cùng đồng bào cả nước làm nên cuộc tổng khởi nghĩa của 70 năm về trước. Những đoàn thanh thiếu niên đi rất đông. Tôi sinh hoạt trong đoàn thiếu nữ tiền phong thành Hoàng Diệu. Trước đó, chúng tôi đi duyệt binh bằng bài “Chiến sĩ Việt Nam” chứ chưa có bài “Tiến quân ca”. Đến ngày 19/8, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng.

1

Bà Nghiêm Thúy Băng: “Lần đầu nghe Quốc ca nước mắt cứ ứa ra”

Tôi nhớ khi ấy tôi xúc động nghẹn ngào, chưa thuộc nên không thể hát theo nhưng nước mắt ứa ra” – bà Nghiêm Thúy Băng xúc động nhớ lại.

Năm nay bà Nghiêm Thúy Băng đã 87 tuổi nhưng dấu ấn về nhan sắc một thời của Hoa khôi trường Đồng Khánh chưa phai mờ trên khuôn mặt bà. Bà kể, bà và nhạc sĩ Văn Cao quen nhau trong các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại nhà nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên- người chỉ huy dàn kèn đồng thổi bài Quốc ca trong Lễ mít tinh Quốc khánh ngày 2/9/1945. Sau đó, năm 1947, ông bà kết hôn.

Bà Thúy Băng từng chia sẻ: “Cuộc đời tôi từ khi đến với anh Văn Cao chưa có một ngày nào được sung sướng về vật chất, nhưng tôi không ân hận khi trao cả cuộc đời cho anh. Có lẽ đó là một sứ mệnh ngẫu nhiên nếu không muốn nói là định mệnh. Tôi đã hy sinh sự nghiệp của mình dành cho người chồng yêu quý có một sự nghiệp trong sáng tác, đóng góp cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Ngay cả những lúc sóng gió nhất trong cuộc đời, tôi vẫn ở bên cạnh anh và tôi cũng cảm nhận được mình có ý nghĩa với anh như thế nào. Nhiều bạn bè nhận xét những người phụ nữ trong tranh của anh luôn có nét phảng phất hình ảnh của tôi… Con người anh trầm lặng, sự sống như lặn vào trong, rất khiêm tốn, không khoe khoang. Nhờ ảnh hưởng của tính cách ấy mà qua bao thăng trầm sóng gió, trải qua những gì đau đớn nhất của cuộc đời, tôi vẫn tự hào mình có nghị lực vượt qua…”.
1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên thăm gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao

Nói về thành tựu của chồng, bà cũng khiêm nhường, nhỏ nhẹ: “Sinh thời, Bác Hồ có nói với chồng tôi: “Chú là nhạc sĩ có tài, có công sáng tác Quốc ca Việt Nam”. Bác cũng rất quan tâm văn nghệ sĩ. Thường thăm hỏi anh Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… Mỗi dịp 2/9, dù bận trăm công nghìn việc, Bác đều cho lễ tân mời tác giả Quốc ca lên gặp mặt. Duy nhất có Văn Cao là nghệ sĩ được tặng Huân chương Chiến công Hạng Nhất có chữ ký của Bác Hồ. Những trường hợp khác là truy tặng hoặc Hạng Nhì…”.

Không bày tỏ mong muốn gì cho bản thân, cho gia đình, bà và gia đình đã có thư ngỏ lời hiến tặng công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước tác phẩm “Tiến quân ca” đang là Quốc ca Việt Nam từ 1946 đến nay. Ngay trong buổi trò chuyện với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên tới thăm nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, bà cũng mong mỏi: “Mong lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm, thăm hỏi, động viên gia đình các nghệ sĩ hơn nữa…”.

Tại buổi thăm hỏi, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã nhắc đến sự đóng góp to lớn của nhạc sĩ Văn Cao với âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là ca khúc “Tiến quân ca” đã trở thành Quốc ca của Việt Nam. Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, trong đời sống âm nhạc có rất nhiều ca khúc- nhưng Quốc ca chỉ có một, bởi vậy, “Tiến quân ca” mãi mãi là một ca khúc đặc biệt nhất và chỉ duy nhất./.

Tổ Quốc