Võ Liệt, nơi gắn bó với kỷ niệm khó phai mờ về Đại tướng

      Cũng như bao làng quê khác ở miền Trung, xã Võ Liệt Thanh Chương, Nghệ An, từng trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, kiên cường, bền gan chống lại giặc xâm lược. Nơi đây cũng là địa điểm, là cơ sở hoạt động bí mật của tổ chức cách mạng nhiều thời kỳ. Nhưng không mấy ai biết rằng, người dân nơi đây lại vinh dự, may mắn có được những kỷ niệm đẹp đẽ, quý giá về vị tướng tài ba lỗi lạc.
Cho đến bây giờ, đã gần ¼ của thế kỷ trôi qua kể từ ngày Đại tướng về thăm Đình Võ Liệt, những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn được lưu giữ như một phần truyền thống đáng quý của làng.

Võ Liệt, nơi gắn bó với kỷ niệm khó phai mờ về Đại tướng 1

Đình Võ Liệt tại Xã Võ Liệt huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An

Đó là những ngày đầu xuân năm 1986, trong lần về thăm xã Thanh Xuân huyện Thanh Chương quê vợ của Đại tướng. Hồi đó, người dân ít được biết, bởi đây là chuyện đại sự quốc gia nhưng tin Đại tướng về thăm đình Võ Liệt mới chỉ được thông báo trước giờ không lâu. Sau đó tin đã lan truyền từ người này đến người khác, từ nhà này sang nhà khác rất nhanh, tạo nên không khí rộn ràng, háo hức cả vùng quê hữu ngạn Sông Lam. Khắp các ngõ làng người đùn ra như mối, đổ dồn dọc 2 bên đường 533, trục đường lớn nhất của bờ hữu ngạn để được nhìn thấy Đại tướng. Tuổi trẻ thì đôi chân guồng vội bánh xe đạp quay nhanh, người đi bộ thì vừa đi vừa chạy, người già chậm chân thì bảo nhau ra đứng trước ngõ nhà mình.
Võ Liệt, nơi gắn bó với kỷ niệm khó phai mờ về Đại tướng 2

Bến phà Rộ ngày xưa, nay đã được xây cầu

“Đại tướng đến rồi, Đại tướng đến rồi!”. Mọi người đều reo lên. Xe chở Đại tướng trôi chầm chậm vào đình giữa dòng người ra đón. Khi vào thăm đình Võ Liệt, ngôi đình có lịch sử bề dày 130 năm tuổi, được xây dựng tại một vùng quê giàu truyền thống văn hoá, cách mạng, tận mắt nhìn thấy những hạng mục đã xuống cấp, 2 dãy nhà bia khắc tên các vị khoa cử từ thời Lê đến thời Nguyễn của tổng Võ Liệt xưa, trong đó có nhiều bậc có công lao, tên tuổi vì dân, vì nước, Đại tướng trầm ngâm ngắm nghía rất lâu rồi ông nói: “Cha ông ta đã làm nên lịch sử, chúng ta phải tự hào. Để di tích như thế này đau đớn lắm. Tôi có trách nhiệm báo cáo Trung ương và Chính phủ việc này”.

Võ Liệt, nơi gắn bó với kỷ niệm khó phai mờ về Đại tướng 3

Nhà bia khắc tên các vị khoa cử từ thời Lê đến thời Nguyễn của tổng Võ Liệt

Sau đó, Đại tướng trở ra và nói chuyện với bà con. Ông ân cần thăm hỏi, dặn dò mỗi người phải biết vươn lên làm ăn, phát huy lợi thế của địa phương mình, xứng đáng là người con của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh. Xe trở ra, 2 bên đường người dân các thôn Khai Tiến, Lam Giang, Trung Đức vẫy chào tiễn Đại tướng xuống phà Rộ. Từ trong xe, Đại tướng đưa tay vẫy chào, có người bạo dạn đưa tay qua cửa xe để được Đại tướng nắm tay. Lúc này lực lượng bảo vệ có lẽ hiểu đựơc tâm trạng, nỗi lòng người dân nên đã nương tay làm nhiệm vụ .
Võ Liệt, nơi gắn bó với kỷ niệm khó phai mờ về Đại tướng 4

Cầu Rộ bắc qua dòng sông Lam

Dưới sông, Phà chờ sẵn. Xe Đại tướng nhích dần, vòng người khép lại gần hơn như vòng tay lớn. Máy nổ, phà từ từ rời bến, mọi người đưa tay vẫy chào lưu luyến, mắt ai cũng đăm đăm nhìn theo cái vẫy tay tạm biệt của Đại tướng và trào dâng xúc động.

Ngày 26/01/2007, 21 năm sau kể từ ngày Đại tướng về thăm Đình Võ Liệt, Đại tướng đã viết thư thân gửi Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, UBND, MTTQ xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Thư Đại tướng viết: “Năm 1986, tôi có dịp về Thanh Chương về xã Võ Liệt thăm đồng bào thăm đình Võ Liệt có hai dãy nhà bia khắc tên 445 vị khoa cử từ thời Lê đến thời Nguyễn. Ở một xã, một huyện ít nơi có di tích lịch sử như nơi đây. Tôi đã nói: Đây là văn miếu huyện rất đáng tự hào ở quê ta. Các thế hệ con cháu phải tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của ông cha ta. Nay di tích đã được xếp hạng và công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia , tôi mong Đảng bộ, Chính quyền nhân dân xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương cần giữ gìn tốt để thế hệ con cháu và các nơi có dịp tham gia ngưỡng mộ”.

Võ Liệt, nơi gắn bó với kỷ niệm khó phai mờ về Đại tướng 5

Bia đình Võ Liệt

Đến nay Đình Võ Liệt đã được trùng tu, bến Phà ngày xưa nay là cầu Rộ, con đường đất đỏ 533 ngày đó giờ đã được nhựa hoá. Từ trong sâu thẳm tấm lòng và nhịp đập của con tim, người dân Võ Liệt, Thanh Chương luôn mong ước, đợi chờ được đón Đại tướng về thăm quê ngoại và lại ghé về Võ Liệt, Thanh Chương thêm một lần nữa, nhưng ước mong đó đã không thành hiện thực. Tin Đại tướng ra đi khiến người dân Võ Liệt ai nấy đều thảng thốt, tiếc thương không nói nên lời. Nhiều bậc cao niên trong làng nhắc đến Đại tướng đã không giấu nổi niềm xúc động: “Các cháu ơi! Tướng Giáp đúng là một vị tướng của nhân dân”.
Nguồn Gia đình