Việt Nam vận động đăng cai Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019

 

Đoàn TTVN diễu hành ở lễ khai mạc ASIAD 16, diễn ra tại
Quảng Châu, Trung Quốc năm 2010. Ảnh: Mạnh Hoàng
 

       Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa ký Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 28/8/2012, phê duyệt Kế hoạch vận động đăng cai Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 (ASIAD 18-2019) tại Việt Nam.

Quyết định nêu rõ, giành quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 nhằm thực hiện nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020.

Thông qua việc vận động đăng cai ASIAD 18 nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam đến các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á và trên thế giới.

Trên cơ sở những mục tiêu nói trên, việc vận động đăng cai ASIAD 18-2019 sẽ được triển khai cả trong nước và nước ngoài. Cụ thể:

Ở trong nước, gửi hồ sơ cho Hội đồng Olympic châu Á (OCA) xin đăng cai ASIAD 18-2019 tại Việt Nam; xin ý kiến đóng góp các Bộ, ngành, địa phương về Kế hoạch vận động đăng cai ASIAD 18-2019; chuẩn bị các ấn phẩm, phim, đĩa DVD, tài liệu quảng bá về thành phố Hà Nội, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam; thành lập Ban vận động đăng cai ASIAD 18; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước và quốc tế; tổ chức đi bộ, đồng hành hưởng ứng Việt Nam vận động đăng cai ASIAD 18…

Ở nước ngoài, báo cáo công tác chuẩn bị và kế hoạch tuyên truyền vận động đăng cai ASIAD 18-2019 trong phiên họp Hội động OCA; triển khai chiến dịch vận động hành lang tại các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Côoét, Quatar, Ảrập Xêút, Kazakhastan, Ấn Độ… để tranh thủ sự ủng hộ trong việc giành quyền đăng cai Đại hội.

Theo Kế hoạch, thời gian dự kiến tổ chức Đại hội vào tháng 11/2019 (khoảng 16 ngày). Địa điểm tổ chức chính tại thành phố Hà Nội; các địa điểm tổ chức phụ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và Phú Thọ.

Về quy mô, dự kiến 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á tham dự Đại hội với số lượng khoảng 10.000 huấn luyện viên, vận động viên và 1.500 quan chức, khách mời, trọng tài của Hội đồng Olympic châu Á, Ủy ban Olympic các quốc gia và vùng lãnh thổ, các Liên đoàn Thể thao quốc tế.

Tổ chức thi đấu 35 môn thể thao bao gồm: Bắn cung, Thể dục, Điền kinh, Cầu lông, Xe đạp, Thể thao dưới nước, Kiếm, Judo, Bắn súng, Vật, Golf, Cầu mây, Kabaddi, Karatedo, Taekwondo, Bóng ném, Rowing, Canoe-kayak, Bóng rổ, Quyền anh, Bóng chuyền, Bóng đá, Thuyền buồm, Wushu, Bóng bàn, Cử tạ, Ba môn phối hợp, Squash, Đá cầu, Cờ, Quần vợt, Bóng chày, Hocky trên cỏ, Bóng bầu dục, 5 môn phối hợp hiện đại./.