Việt Nam có thể xem mưa sao băng cực đại trong đêm 12 và 13-8

Ở tất cả các địa phương trong nước, những người quan tâm tới các sự kiện thiên văn có thể quan sát mưa sao băng cực đại trong hai đêm 12 và 13-8.

“Thời điểm quan sát cực đại mưa sao băng Perseid là đêm 12 và 13-8, thời gian tốt nhất là sau 12 giờ đêm. Người xem có thể quan sát bằng mắt thường, không nên nhìn vào một hướng mà nên bao quát toàn bộ bầu trời, càng rộng càng tốt”, anh Hoàng Quốc Phương, Chủ nhiệm Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội trao đổi.

 Người dân ở mọi địa phương có thể quan sát mưa sao băng vào hai đêm 12-13/8. Ảnh minh họa: Scienceheathen
Người dân ở mọi địa phương có thể quan sát mưa sao băng vào hai đêm 12 – 13-8. Ảnh minh họa: Scienceheathen

Theo anh Phương, trận mưa sao băng này chưa phải là lớn nhất năm, so với trận mưa khác vào khoảng tháng 11-12, nhưng nó dễ quan sát nhất do rơi vào mùa hè. Mưa sao băng về bản chất không mang nhiều giá trị về nghiên cứu khoa học, chỉ thể hiện sự tương tác giữa các vật thể ngoài không gian với khí quyển diễn ra thế nào.

Dự kiến Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện dành cho các bạn trẻ có quan tâm tại sân vận động Mỹ Đình, sau đó di chuyển sang địa điểm khác tại Đại Mỗ, cách đó khoảng 7 km. Hiện nay có khoảng 1.000 người đăng ký tham gia.

Theo anh Đặng Tuấn Duy, Hội thiên văn nghiệp dư TP.Hồ Chí Minh, thời điểm thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao này ở Việt Nam là từ sau nửa đêm tới rạng sáng ngày 13-8 (cả những ngày lân cận 12 và 14/8). Khoảng từ sau 1h sáng khi chòm sao Perseus chứa tâm điểm quan sát lên đủ cao ở chân trời đông. Năm nay Mặt trăng sẽ không ảnh hưởng tới khả năng quan sát các vệt sao băng của trận mưa sao này.

Anh Duy cho rằng mọi người có thể quan sát ở mọi địa phương, dù không cần xác định tâm điểm xuất phát của trận mưa sao băng nhưng cần chờ đến khi tâm điểm này lên cao hơn so với chân trời. Người quan sát cần tránh nhìn ánh sáng trực tiếp ít nhất 20 phút trước khi xem mưa sao băng, để mắt có nhiều thời gian thích ứng với bóng tối. Do mưa sao băng Persei xảy ra vào nửa đêm về sáng nên Hội thiên văn nghiệp dư TP. Hồ Chí Minh không tổ chức sự kiện cho nhóm lớn.

Anh Duy dẫn lại thông tin từ các nhà khoa học cho biết vào lúc cực điểm của trận mưa sao này, người xem có thể quan sát được 50-100 vệt sao băng/giờ hoặc có thể nhiều hơn trong điều kiện quan sát tối ưu. Ở các vùng quê ít bị ô nhiễm, người yêu thích thiên văn có cơ hội thấy lượng sao băng lớn hơn so với ở thành phố vì ánh đèn hoặc ánh trăng sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến việc chiêm ngưỡng sự kiện độc đáo này.

“Mưa sao băng không có nghĩa là sao bay như mưa, do đó cần kiên nhẫn khi quan sát. Ở một trận mưa sao lớn như Perseids này thì những vệt sáng có thể xuất hiện cách nhau một đến vài phút, đôi khi bầu trời sẽ “lặng thinh” một lúc rất lâu nhưng có lúc chúng xuất hiện liên tục 2-3 vệt”, anh Duy nói.

Nguồn Vnexpress