Việt Nam có khoảng 15 triệu người mắc rối loạn tâm thần

Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó trong đời.

Bác sĩ thăm khám tư vấn cho bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần
Bác sĩ thăm khám tư vấn cho bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần

“Rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người). Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó trong đời”, đó là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học “Chăm sóc sức khỏe tinh thần” do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức vào sáng 27-12.

Theo GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TPHCM, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc tâm lý, tạo cơ hội để phổ biến việc sử dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài cho đến khi phương pháp này thực sự được triển khai trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

“Dự đoán rủi ro trong sức khỏe tâm thần là một thách thức đối với tâm lý học lâm sàng, y học chính xác và cá nhân hóa đang dẫn đường cho các phương thức phòng ngừa mới nhằm giảm gánh nặng bệnh tật. Cho đến nay, ưu tiên hàng đầu vẫn là phân tích các khả năng mới của công nghệ số trong thực hành lâm sàng cũng như chăm sóc sức khỏe tâm thần”, GS-TS Huỳnh Văn Sơn thông tin và cho biết, vừa tổ chức nghiên cứu đã xây dựng Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân sau đại dịch nhằm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho đa đối tượng, đa mục tiêu và đa phương thức.

Tuy nhiên, theo GS-TS Huỳnh Văn Sơn, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng gặp không ít thách thức liên quan đến nhu cầu đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về việc sử dụng công nghệ và phát triển các phác đồ điều trị sao cho chúng hiệu quả và thu hút người dùng.×

Bên cạnh đó, việc triển khai các mô hình chăm sóc kết hợp trong thực hành lâm sàng; giải quyết các vấn đề đạo đức do việc sử dụng công nghệ gây ra. Điều quan trọng là tất cả các bên liên quan phải biết trách nhiệm của mình và thiết lập khung chung cho việc phát triển và sử dụng công nghệ một cách có đạo đức.

Chia sẻ tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để có được sức khỏe tinh thần, mỗi cá nhân cần ý thức cân bằng lại cảm xúc, duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời học cách định hướng suy nghĩ một cách tích cực. Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân trong và cả sau đại dịch Covid-19.

Thế giới đã trải qua hơn 2 năm khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Hậu quả để lại là những di chứng lâu dài đối với sức khỏe của con người, trong đó có nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần như sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm…

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29-1-2022 phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác…

Bộ Y tế cũng ra Thông báo số 1049/TB-BYT ngày 15-8-2022 với kế hoạch xây dựng đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần”, trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới.

Nguồn NLĐ