Vì sao Trung Quốc “ngại” mua dầu thô của Nga dù được giảm giá sâu?

Giữa bối cảnh nhiều khách hàng phương Tây từ chối dầu mỏ, khí đốt và than đá Nga, Moscow đang chuyển hướng xuất khẩu cho các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, dù được giảm giá sâu nhưng Bắc Kinh vẫn “ngại” mua nhiều dầu thô hơn từ Nga.

Xuất khẩu “cho những nơi thực sự cần”

Những lô vận chuyển dầu thô Nga vẫn chưa có dấu hiệu giảm mạnh như nhiều nhà phân tích dự đoán vào tháng trước. Trên thực tế, những chuyến vận chuyển dầu thô Nga được nối lại trong tuần đầu tiên của tháng 4 cho tới nay đã đạt mức cao nhất.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của châu Âu với việc nhiều nhà nhập khẩu lớn từ chối thỏa thuận với Nga đang buộc dầu thô Nga phải thực hiện những chuyến hải trình dài hơn và phức tạp hơn để đến với những khách hàng ở châu Á.

Hôm 13/4, Tổng thống Putin nhận định, Moscow sẽ tìm kiếm những khách hàng mới cho các sản phẩm từ năng lượng của mình cả trong nước và nước ngoài.

 “Đối với dầu mỏ, khí đốt và than đá Nga, chúng tôi sẽ tăng mức tiêu thụ trong nước và tăng cường cung cấp năng lượng sang các khu vực khác trên thế giới, ở những nơi mà họ thực sự cần”, Tổng thống Nga cho hay.

Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ không từ chối nhập khẩu dầu thô Nga – vốn được giảm giá sâu nhằm thu hút những bên mua quan tâm đến giá cả, thì những khâu hậu cần trong việc vận chuyển dầu từ Biển Đen của Nga và các cảng biển ở vùng Baltic tới châu Á, cũng như sự khan hiếm các tàu chở dầu, những đảm bảo của ngân hàng và bảo hiểm cho hàng hóa Nga, đã hạn chế lượng dầu đến châu Á nhằm bù đắp cho những thùng dầu không còn tới châu Âu, các nhà phân tích đánh giá.

Do nhiều thay đổi lớn trong các tuyến thương mại toàn cầu, châu Á – khu vực nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, vẫn sẽ không thể bù đắp tất cả lượng dầu mà châu Âu đang từ chối Nga.

Sự dịch chuyển trong các tuyến thương mại hiện vẫn đang diễn ra.

Một lượng dầu nhất định trước đó Nga vận chuyển sang phương Tây sẽ được châu Á thay thế nhưng không phải là tất cả. Điều đó là bởi trong hành trình kéo dài 2 tháng tới châu Á (hay chuyến đi khứ hồi kéo dài 4 tháng), Nga sẽ cần nhiều siêu tàu chở dầu, phương tiện hiện vẫn chưa sẵn có trên thị trường tàu chở dầu toàn cầu.

Trước khi chiến tranh bùng nổ, 1,3 triệu thùng dầu Nga được vận chuyển mỗi ngày từ các cảng Primorsk và Ust Luga của vùng Baltic tới châu Âu trên các đội tàu chở dầu thô Aframax. Những cuộc hành trình vận chuyển dầu tới Hamburg (Đức) hay Rotterdam (Hà Lan) sẽ mất khoảng 1 – 2 tuần.

“Nếu hiện nay, Nga cần vận chuyển lượng dầu tương tự không phải tới châu Âu mà là tới Trung Quốc, vấn đề hậu cần đầu tiên mà nước này phải đối mặt là Nga không thể vận chuyển dầu Urals trên những tàu chở dầu cỡ lớn ở Primorsk hay Ust Luga bởi những cảng biển này không đủ sâu để các tàu chở dầu cỡ lớn có thể neo đậu. Trước tiên, Nga sẽ phải đưa các tàu Aframax tới một cảng nào đó cho quá trình vận chuyển dầu thô từ tàu này sang tàu khác rồi cho lên những tàu chở dầu cỡ lớn”, Zoltan Pozsar – một nhà phân tích tại tập đoàn Credit Suisse có trụ sở tại Thụy Sĩ cho hay.

Việc chuyển tàu sẽ mất vài tuần và sau khi quá trình này hoàn tất, các tàu chở dầu cỡ lớn sẽ mất 2 tháng để đi về phía Đông, dỡ hàng và sau đó mất thêm 2 tháng quay lại vùng Baltic.

Nhà quan sát này cũng cho rằng nếu như trước đó Nga chỉ mất 1 – 2 tuần để vận chuyển dầu thô thì hiện nay việc này mất tới ít nhất 4 tháng nếu Moscow chuyển hướng cung cấp cho châu Á.

Theo một phân tích của OPEC được công bố trong tuần này: “Thị trường tàu chở dầu đang chịu ảnh hưởng rộng khắp bởi những điều không chắc chắn, liên quan đến cuộc xung đột ở khu vực phía Đông châu Âu và dự kiến sẽ ảnh hưởng đến các xu hướng của thị trường”.

Sự chuyển hướng của dầu thô Nga đang thu hút các khách hàng như Trung Quốc và Ấn Độ do giá dầu Urals giảm sâu. Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể đối mặt với những thách thức của việc nhập quá nhiều dầu thô Nga trong thời gian ngắn, giữa bối cảnh vẫn còn các nghĩa vụ theo hợp đồng với các nhà sản xuất Trung Đông, tập đoàn toàn cầu về năng lượng Wood Mackenzie có trụ sở tại Anh đánh giá.

Ngoài ra, Trung Quốc thực tế không quá hào hứng với việc mua dầu thô Nga bởi một vài yếu tố. Theo Wood Mackenzie, những yếu tố này gồm có giá cước đắt đỏ của hàng hóa Nga do các lệnh trừng phạt, những khó khăn trong việc thanh toán và bảo hiểm cho tàu chở dầu cũng như thực tế rằng, việc vận chuyển dầu Urals sẽ mất gấp đôi thời gian so với việc vận chuyển dầu từ Trung Đông sang Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc cũng đang có những hợp đồng dài hạn với các nhà xuất khẩu dầu từ Trung Đông./.

Nguồn vov.vn