Vai trò an ninh mới của Nhật Bản đối với khu vực

Thượng nghị viện Nhật Bản ngày 19/9 thông qua dự luật an ninh, dỡ bỏ lệnh cấm quyền phòng vệ tập thể, thúc đẩy vai trò an ninh mới của Nhật Bản.

Với kết quả này, tiến trình “sửa đổi hiến pháp” của chính phủ Nhật Bản đã có một bước tiến quan trọng. Nhật Bản cơ bản đã trở thành một “quốc gia bình thường”.

Trong cuộc bỏ phiếu, liên minh cầm quyền Nhật Bản với đa số ghế áp đảo đã áp đặt biểu quyết thông qua dự luật an ninh tại Thượng viện. Nói là “áp đặt” vì để thông qua được dự luật, Thủ tướng Abe đã phải vượt lên trên sự phản đối của các đảng đối lập và của đa số người Nhật. Một cuộc điều tra hồi tháng 7/2015 của báo Asahi đối với dự luật an ninh, chỉ 26% người được hỏi ý kiến tán thành, trong khi 56% phản đối.

Dự luật an ninh được dư luận gọi là dự luật chiến tranh hay dự luật đưa quân ra nước ngoài, vì nó cho phép Nhật Bản thi hành quyền phòng vệ tập thể, mở rộng hoạt động quân sự của lực lượng phòng vệ ở trong và ngoài nước, cho dù Nhật Bản chưa bị tấn công trực tiếp, chỉ cần cảm thấy bị “đe dọa”, cũng có thể sử dụng vũ lực với nước đối phương. Điều này đã làm thay đổi tính chất của lực lượng phòng vệ, từ chuyên về phòng thủ sang mang tính tấn công.

Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Taro Nishijima, TS Nguyễn Ngọc Trường đánh giá tích cực vai trò an ninh mới của Nhật Bản đối với khu vực

Shinzo Abe thể hiện vai trò lãnh đạo

Đa số có phải lúc nào cũng đúng? Có thể, trong một số trường hợp. Nhà lãnh đạo của một quốc gia phải có tầm nhìn xa và lúc cần thiết phải dũng cảm thực hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với đất nước và chịu trách nhiệm trước lịch sử. Người phương Đông thường nói “Người biết lo cái lo ở xa thì không phải lo cái lo ở gần”. Môi trường an ninh ở Đông Bắc Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung đã có những thay đổi to lớn, trật tự quốc tế đang bị thách thức, tương quan lực lượng đang thay đổi không có lợi cho ổn định và nguyên trạng khu vực. Nếu đợi đến khi tên lửa đối phương bắn đến lãnh thổ nước mình, chiến tranh xẩy ra ở khu vực nằm trong lợi ích an ninh quốc gia cuả nước mình mới ban hành đạo luật cho phép ra quân thì đã là quá muộn. Đó là quan điểm của TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế (CSSD), nêu ra khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Taro Nishijima, trưởng phân xã The Yomuri Shimbun ở châu Á, ngày 8/4/2015. Tờ báo đã đăng tải những nhận xét của TS Trường trong số ra đầu tháng 9, để minh họa cho quan điểm của nhiều nước châu Á ủng hộ vai trò mới của Nhật Bản đối với an ninh, ổn định của khu vực.

Bản Hiến pháp hòa bình năm 1947 đã bảo đảm lợi ích hòa bình mà Nhật Bản được hưởng hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên nó đã hạn chế Nhật Bản trong môi trường an ninh mới, khiến cho Nhật Bản – một nền kinh tế lớn của thế giới lại không phải là một quốc gia bình thường. Cộng đồng quốc tế chỉ coi trọng thực lực. Nhật Bản là người khổng lồ về kinh tế, nhưng một người lùn trong chính trị.

Chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã đem đến cơ hội cho chính quyền Abe thúc đẩy dự luật an ninh mới. Mỹ – nước bảo trợ Hiến pháp 1947, ủng hộ luật an ninh mới. Có nó, Nhật Bản có thể phối hợp tốt hơn với Mỹ đáp ứng nhu cầu chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương. Một sự bí mật công khai là chiến lược tái cân bằng này là nhằm vào Trung Quốc. Nhật Bản được tháo “gông xiềng” an ninh sẽ là một đối trọng lý tưởng đối với Trung Quốc, chí ít có sự phối hợp với sức mạnh quân sự của Mỹ. Ngày nay, không một nước lớn nào riêng rẽ đủ sức kiềm chế Trung Quốc ở Đông Á. Thủ tướng Abe có lần đã “mượn rượu” để nói “muốn phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào Trung Quốc”. Đây chỉ là sự răn đe, kích động tinh thần dân tộc và làm vừa lòng cánh hữu ở Nhật Bản mà thôi.

Nhật Bản trở thành “cái neo” an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương?

Luật an ninh mới tăng cường vai trò của Nhật Bản trong khu vực. Shinzo Abe lấy “chủ nghĩa hòa bình tích cực” làm vỏ bọc, thông qua liên minh Mỹ-Nhật để can dự vào các công việc Đài Loan, đương đầu với Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư, bố trí quân sự tại “các hòn đảo Tây Nam”, và can dự vào Biển Đông. Cho nên, không lấy làm lạ, Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ việc Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới, còn Mỹ, Philippines và Australia nhiệt thành ủng hộ. Nhiều nước châu Á không tiện lên tiếng nhưng ngầm ủng hộ.

Là một phần của sự tái định hướng chiến lược an ninh quốc gia, chính quyền của Thủ tướng Abe đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với những thiết bị liên quan đến quân sự. Nhật Bản mong muốn đánh bại các đối thủ châu Âu, trở thành nhà thầu cung cấp thế hệ tàu ngầm mới cho Australia trong một hợp đồng nhiều tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên sau chiến tranh Nhật Bản có thể xuất khẩu một hệ thống vũ khí chiến đấu lớn. Nhật Bản đã và đang chuyển giao tàu tuần tra bảo vệ bờ biển và máy bay giám sát hàng hải cho Philippines và Việt Nam.

Cuối cùng, Nhật Bản cũng trở thành một nước bình thường hơn. Người ta hy vọng đất nước này vừa có sức mạnh lớn về kinh tế, vừa có trách nhiệm lớn đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực./.

Nguồn Tổ quốc