Ưu tiên hàng đầu: kiềm chế lạm phát
Năm 2012, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu như vậy tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, vào ngày 22-12.
Các đại biểu dự hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết Quốc hội - Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng cho biết tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt khoảng 5,9%, lạm phát đã giảm dần theo tháng và tính chung cả năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 18,12%. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2011, Thủ tướng nói hiện nay kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, khả năng lạm phát cao trở lại vẫn còn, lãi suất cao, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn… “Chúng ta không thể chủ quan trong bối cảnh như vậy” - Thủ tướng nói.
7 nhóm giải pháp lớn
Thủ tướng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Thủ tướng cho biết: “Cũng có ý kiến cho rằng đặt mục tiêu tăng trưởng 6% là quá cao, cần phải chịu đau để thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, thậm chí chấp nhận tăng trưởng ở mức 1-2%, nhưng vấn đề là chịu đau ở mức nào để còn sống và chữa bệnh. Tôi cũng đồng ý là chúng ta phải chữa bệnh, chúng ta phải kiểm soát lạm phát, nhưng qua nhiều lần cân nhắc thì đưa ra mục tiêu ở mức đó”.
Bình Dương xin làm thêm sân golf Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho biết tỉnh hiện có ba sân golf, trong đó có hai sân golf đã đưa vào sử dụng, hiện thẻ hội viên đã bán hết, người nào muốn vào chơi golf phải đăng ký trước một tuần… Do vậy, ở Bình Dương nếu phát triển 2-3 sân golf nữa cũng chưa đáp ứng được nhu cầu ở khu vực. Nghe sân golf thì khó chịu, nhưng nếu Bình Dương phát triển thêm 2-3 sân golf nữa thì rất có hiệu quả. |
Theo Thủ tướng, một vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua, đến mức “thuộc lòng”, là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vấn đề này đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội. Thủ tướng nói phải làm toàn diện, liên tục và lâu dài. Báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư cho hay ba lĩnh vực ưu tiên là: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Trong đó, sẽ phân loại và thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại 1.309 doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn, tiếp tục nắm giữ 100% sở hữu nhà nước đối với 692 doanh nghiệp (gồm 284 doanh nghiệp công ích, an ninh, quốc phòng và 408 doanh nghiệp kinh doanh), thực hiện cổ phần hóa 573 doanh nghiệp, tiến hành giải thể hoặc phá sản 44 doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 gồm bảy nhóm giải pháp lớn. Trong đó, bên cạnh việc tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững…
Cần có lộ trình giảm lãi suất
Phát biểu tại hội nghị, từ thực tiễn địa phương, ông Lê Thanh Cung (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) cho rằng 90-95% nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp là từ các ngân hàng, các doanh nghiệp đã khó khăn trong năm 2011, nếu tiếp tục khó khăn trong năm 2012 thì e rằng có thể ảnh hưởng đến ngân hàng. Chính phủ cần có giải pháp tích cực, kịp thời tránh xảy ra tình trạng này. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung trên toàn cầu, bên cạnh sự “thắt lưng buộc bụng” Chính phủ cũng cần chọn khâu đột phá để đầu tư mạnh, góp phần đưa nền kinh tế phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và lãnh đạo tỉnh Bình Dương đều cho rằng trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công, có mấy lĩnh vực không nên cắt giảm là giáo dục, y tế và an ninh, quốc phòng. “Đối với giáo dục, y tế dù khó đến mấy cũng nên tập trung lo” - ông Lê Hoàng Quân nói.
Lỗ hổng bảo hiểm thất nghiệp
Đề cập số liệu thống kê doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Quân phản ảnh trên địa bàn TP.HCM có trường hợp một cá nhân đứng ra thành lập tới 39 doanh nghiệp với tổng vốn hơn 5.000 tỉ đồng, nhưng thật ra cá nhân này chỉ có khoảng 10 tỉ đồng. Ông Lê Thanh Cung cũng cho biết ở Bình Dương có trường hợp một cá nhân thành lập đến 15 doanh nghiệp, “đây là vấn đề đáng lưu ý trong quản lý nhà nước”.
Ông Cung còn đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp đối với việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, lý do là theo quy định có liên quan thì người lao động nghỉ việc được hưởng trợ cấp ba tháng, từ đó đã có những trường hợp lao động xin nghỉ việc để được hưởng trợ cấp rồi ngay sau đó lại xin đi làm tiếp ở doanh nghiệp khác hoặc thậm chí là ở chính doanh nghiệp mà họ vừa xin nghỉ. Ông Cung nói: “Trong năm 2011, Bình Dương có 46.000 lao động tuyển mới, 46.000 lao động hưởng chính sách thất nghiệp của Nhà nước. Đây là sự thiếu hụt lao động ảo”.
Hôm nay (23-12), hội nghị tiếp tục làm việc.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.