- Giá các mặt hàng nông sản tăng \"nóng\". - Tiền Giang có 13 trại gia cầm đạt chuẩn VietGAP. - Phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho xuất sắc giành hạng Nhất toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Tiền Giang lần thứ XI năm học 2023-2024. - Khởi công công trình \'Nâng cấp và phát triển lưới điện khu vực Điện lực Gò Công Đông, Tân Phú Đông - Hôm nay (24-4), học sinh lớp 12 bắt đầu thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT. - Ông Trần Quí Thanh bị đề nghị 9-10 năm tù. - Bộ Y tế yêu cầu không giấu giếm sự cố y khoa. - Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc 2 nhiệm kỳ. - TPHCM: Đánh sập đường dây \'tín dụng đen\' cho vay gần 4.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 600 tỷ đồng. - Ngày 25/4: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng. - Tình trạng thừa cân, béo phì ở TP HCM tiếp tục tăng...

UNICEF: 67% người dân Việt Nam được hỏi sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19

Theo Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers, kết quả 1 khảo sát do UNICEF cùng đối tác thực hiện cho thấy 67% người dân Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19, đây là tỉ lệ khá cao.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có buổi làm việc với bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về việc UNICEF tăng cường trao đổi với COVAX để cung ứng vắc-xin Covid-19 về Việt Nam càng sớm càng tốt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch Covid-19 thứ 4 với biến chủng Delta của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh và rộng. Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch để sớm ổn định tình hình.

UNICEF: 67% người dân Việt Nam được hỏi sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ Y tế trao đổi với UNICEF về cung ứng vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam

Một trong những ưu tiên trong phòng chống Covid-19 của Việt Nam là có vắc-xin Covid-19 sớm và thực hiện bao phủ tiêm chủng rộng hơn cho người dân. Do đó, song song với nỗ lực tìm kiếm, đàm phán và trao đổi với các đối tác, nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 để đưa vắc-xin về Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cũng tập trung phát triển vắc-xin trong nước để dần đảm bảo tự chủ vắc-xin. Đồng thời, Việt Nam cũng tham gia cơ chế cung ứng vắc-xin toàn cầu của COVAX.

“Dù Bộ Y tế đã và đang nỗ lực cố gắng tiếp cận các nguồn vắc-xin để đảm bảo từ nay đến cuối năm tiêm đủ 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng đến thời điểm này các nguồn vắc-xin Covid-19 về Việt Nam rất chậm”- ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng gửi lời cảm ơn đến COVAX và UNICEF đã đồng hành với Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, đồng thời mong muốn UNICEF tăng cường thúc đẩy, trao đổi với COVAX để các nguồn vắc-xin Covid-19 về Việt Nam nhanh nhất, nhiều nhất.

Tại buổi làm việc, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam hoàn toàn đồng ý với Bộ trưởng về tính phức tạp và lây lan nhanh của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam. Bà Rana Flowers vui mừng cho biết kết quả một khảo sát do UNICEF cùng đối tác thực hiện cho thấy 67% người dân Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19, đây là tỉ lệ khá cao.

Trưởng đại diện UNICEF cho biết lô hàng 1.910 tủ lạnh công suất lớn sẽ được chuyển về Việt Nam trong cuối tháng 7-2021. Đây là đợt trang thiết bị đầu tiên trong gói hỗ trợ dây chuyền lạnh thông qua ngân sách hỗ trợ của Chính phủ Úc. Cùng đó, UNICEF đã đặt hàng 5 xe tải lạnh chuyên dụng vận chuyển vắc-xin và lô hàng này cũng sẽ về Việt Nam trong tháng 8 và 9 tới đây. Ngoài ra, UNICEF sẽ sớm chuyển cho Việt Nam 5 triệu bơm kim tiêm bằng đường hàng không.

UNICEF: 67% người dân Việt Nam được hỏi sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19 - Ảnh 2.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam – Ảnh:Trần Minh

 Liên quan đến việc chuyển vắc-xin Covid-19 thông qua Cơ chế COVAX về Việt Nam, bà Rana Flowers cho biết các đợt vắc-xin chuẩn bị chuyển cho các quốc gia được cung ứng bởi một cơ sở sản xuất đang được xem xét phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới. Ngay sau khi được phê duyệt, các liều vắc-xin này sẽ chuyển về cho các quốc gia trong đó có Việt Nam, dự kiến trong tháng 7 tới đây.

Bà Rana Flowers hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam trong việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 cũng như những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, với vai trò là người đứng đầu UNICEF tại Việt Nam, bà bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề cách ly cho trẻ em.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ một trong những bài học thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch là cách ly tập trung. “Đối với đợt dịch này, chủng virus Delta có tính chất lây lan nhanh, tất cả các thành viên trong gia đình (bao gồm cả người cao tuổi có bệnh mãn tính) có thể đều bị lây nhiễm nếu như có nguồn lây trong gia đình. Do đó, chúng tôi chọn cách ly tập trung để ngăn chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”- Bộ trưởng nói.

UNICEF: 67% người dân Việt Nam được hỏi sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn tiếp cận vắc-xin Covid-19 của Pfizer để có thể tiêm cho trẻ em Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin thêm, trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên ở Việt Nam, tất cả mọi vấn đề về chăm sóc, chi phí cách ly… đều được nhà nước bảo trợ. Mới đây cơ quan chức năng đã điều chỉnh quy định cách ly, theo đó trẻ em dưới 5 tuổi được thực hiện cách ly tại nhà. Đối với trẻ em trên 5 tuổi, tới đây sẽ có người nhà hoặc người bảo trợ cách ly cùng.

“Chúng tôi sẽ điều chỉnh quy định về cách ly đối với trẻ em phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch, đồng thời tôn trọng quyền trẻ em theo công ước quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tiếp cận vắc-xin Covid-19 của Pfizer để có thể tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Kết thúc buổi làm việc, thêm một lần nữa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn UNICEF tăng cường thúc đẩy để COVAX sớm cung ứng thêm vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam trong tháng 7, 8 và 9-2021. Chúng tôi cam kết người dân Việt Nam được sử dụng vắc-xin Covid-19 một cách công bằng, hiệu quả” – Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Nguồn NLĐ

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*