Ứng phó biến đổi khí hậu phải liên tục và dựa vào nội lực là chính

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu nhấn mạnh điều này trong cuộc họp lần thứ VI của Ủy ban, chiều 3/3, tại trụ sở Chính phủ.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các ủy viên Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo nhiều dự báo khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, nước biển dâng. Những tác động tiêu cực của BĐKH ngày càng rõ và ngày càng lớn, đòi hỏi chúng ta phải đề ra những giải pháp ứng phó hiệu quả để phát triển bền vững trong điều kiện mới.

Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ứng phó với BĐKH và qua quá trình triển khai thực hiện đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về hậu quả của BĐKH, nước biển dâng được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa; phải nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, một trong những hạn chế trong ứng phó với BĐKH thời gian qua là việc bố trí nguồn lực còn phân tán, có dự án còn kém hiệu quả, đầu tư còn dàn trải.

Thủ tướng nhấn mạnh việc ứng phó với BĐKH phải thực hiện liên tục, đồng bộ, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm ở tất các các lĩnh vực, ở các ngành, các cấp. Nguồn lực dành cho ứng phó với BĐKH phải bằng nội lực là chính.

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Chiến lược, Kế hoạch quốc gia về BĐKH và tăng trưởng xanh;…

Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người dân, doanh nghiệp đều phải nâng cao nhận thức, đều phải tính toán. Đi liền với đó là tập trung rà soát, cập nhật, xây dựng lại quy hoạch của từng vùng, từng ngành theo tinh thần phải sống chung với BĐKH, với nước biển dâng.

“Thí dụ ngành giao thông phải quy hoạch, làm con đường phải tính bao nhiêu năm; ngành nông nghiệp phải làm quy hoạch lại thủy lợi như thế nào; tương tự ngành xây dựng cũng vậy…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Từ việc làm tập trung rà soát, cập nhật quy hoạch để xác định các dự án trọng tâm, trọng điểm cần đầu tư vì nguồn lực đầu tư của đất nước còn hạn chế, qua đó đảm bảo tính hiệu quả của các dự án.

Các dự án trọng điểm phải tập trung vào các lĩnh vực bức thiết, như chống xói lở thông qua việc trồng rừng phòng hộ, đắp đê; tính toán, xác định rõ các vùng đất nào cần phải chống xâm nhập mặn; thực hiện hiệu quả các giải pháp chống ngập úng (do thủy triều dâng lên) ở một số TP. lớn trong đó có TPHCM.

Tái khẳng định quan điểm nguồn vốn phục vụ cho ứng phó với BĐKH phải bằng nội lực là chính, gồm nguồn lực từ nhân dân, từ ngân sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý cần hết sức quan tâm thu hút, vận động nguồn lực từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế để phục vụ đắc lực, hiệu quả cho các hoạt động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; đồng thời tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BĐKH.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thời gian qua, chính sách pháp luật của Việt Nam về BĐKH được xây dựng tương đối đồng bộ, tạo cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng, thực hiện công tác ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả.

Cơ cấu tổ chức, bộ máy tiếp tục được hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư ứng phó với BĐKH.

Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát kết quả thực hiện Dự án, Chương trình, hoạt động ứng phó với BĐKH được đẩy mạnh; các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá hoạt động ứng phó với BĐKH được nghiên cứu xây dựng, hỗ trợ cho việc lựa chọn các hoạt động ưu tiên, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình, bối cảnh phát triển chung.

Kết quả nghiên cứu khoa học, xây dựng kịch bản BĐKH, nước biển dâng được cập nhật, việc triển khai chương trình khoa học công nghệ quốc gia được tổng kết, đánh giá, chuyển giao ứng dụng.

Năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai được quan tâm đầu tư và bước đầu phát huy hiệu quả, đáp ứng cho yêu cầu chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ứng phó với BĐKH được quan tâm triển khai; nội dung BĐKH được xây dựng, lồng ghép, đưa vào giảng dạy, phổ cập ở các cấp học.

Nguồn Chính phủ